Tôi đi dạy học

Minh Văn

Trong những tháng ngày bôn ba trước đây, đã có lúc tôi đi dạy học tư. Có nghĩa là dạy kèm tại nhà, mà người ta vẫn thường gọi là “gia sư” vậy. Khoảng thời gian này đã để lại nhiều kỷ niệm vui buồn, cũng như những bài học bổ ích cho việc dạy và học, vốn không phải là nghề của tôi. Khi thì người ta nhờ dạy kèm cho con cái của họ, lúc lại thông qua những trung tâm gia sư mà tôi vốn quen biết.
Hồi đó các sinh viên vẫn thường đi làm gia sư như một hình thức kiếm thêm thu nhập chính đáng, lại phù hợp với khả năng của bản thân. Không chỉ riêng sinh viên sư phạm, mà các trường khác cũng vậy. Tôi vốn học Luật, nhưng gia đình có truyền thống sư phạm nên cũng có “gen” dạy học chăng? Có lẽ là như vậy lắm. Cho nên chuyện đi gia sư của tôi một phần cũng bởi cái duyên nợ tiền kiếp đó.
Ở Hà Nội, cuộc sống thành phố bận bịu, người ta ít có thời gian quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Mà việc học ở trường thì không phải lúc nào cũng được như ý, vì vậy mà rất cần đến các anh chị gia sư kèm cặp. Lý do để thuê gia sư thì nhiều, có gia đình muốn con mình học
nâng cao thêm, bổ túc một môn nào đó còn yếu kém, hoặc là chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới chẳng hạn. Hà Nội cũng là nơi có nhiều trường đại học và cao đẳng trú đóng, đây là nguồn nhân lực dồi dào cho các trung tâm gia sư. Các cụ ta xưa có câu “Học thầy không tày học bạn” quả thật là hay. Ở trường, việc giao tiếp giữa thầy cô giáo với học sinh thường có khoảng cách, vả lại lớp học đông, cho nên họ không thể chỉ bảo riêng cho từng em được. Trong khi đó các anh chị gia sư kèm cặp tại nhà tận tình, không khí lại tự nhiên thân mật như bạn bè, vì thế mà kết quả học tập của học sinh thường rất khả quan.
Quá trình đi dạy tư, điều khiến tôi thấy vui nhất là đã giúp được nhiều em vượt qua trở ngại trong học tập mà trở nên tiến bộ hơn.
Lần đó trung tâm gia sư cử tôi đến dạy kèm cho một cậu học sinh được coi là cá biệt. Các cô trong trung tâm trước đó đều than phiền rằng em hay cãi lại và không chịu học bài. Và nhất là môn Văn em rất kém, gần như không biết một chút gì cả. Vậy là họ không chịu dạy nữa, vì cho rằng học trò này quá dốt và hỗn hào. Họ còn khẳng định là với khả năng đó, em không thể nào thi đỗ tốt nghiệp. Nhà em ở ngoại thành Gia Lâm, cách trung tâm thành phố gần hai chục cây số. Đó là một trở ngại lớn vì hồi đó đi bằng phương tiện xe đạp, lại đối mặt với yêu cầu phải giúp em vượt qua kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 sắp tới. Từ bây giờ cho đến lúc thi chỉ còn khoảng hai tuần, trong khoảng thời gian đó tôi phải vạch ra được một kế hoạch để bổ túc mấy môn thi, đặc biệt là môn Văn. Với quan niệm “Thầy hay ắt sẽ có trò hay”, vì vậy mà tôi nhận trường hợp này, vả lại cái tâm của một người thầy làm sao cho phép bỏ mặc học sinh cho được. Nghĩ vậy nên sáng hôm sau tôi hăng hái lên đường ngay theo đúng lịch trình mà trung tâm đề ra.
Tiếp đón tôi là một cậu học sinh khoảng 18 tuổi, da ngăm đen và đôi mắt sáng nghịch ngợm, cậu giới thiệu tên mình là Khánh. Cái dáng vẻ bất cần và lối ăn nói dấm dẳn, có lẽ là thói quen phản kháng trước những quy chụp mà trước đây người ta gán cho cậu. Tiếp xúc một lúc thì tôi thấy cậu trò nhỏ của mình là người nhiệt thành và hoạt bát. Có thể kết quả kém là do cậu không tìm thấy hứng thú trong việc học, chứ không phải năng lực yếu. Ngay lập tức, trong đầu tôi đã hình thành phương pháp để giúp cậu học tốt. Không bắt Khánh phải học bài ngay, mà hai thầy trò ngồi nói chuyện vui vẻ với nhau như những người bạn. Khi em hoàn toàn tự nhiên rồi, tôi mới nhắc đến chuyện học. Tôi hỏi cần bổ túc môn nào nhất, cậu trả lời là môn Văn. Lại hỏi qua một số kiến thức về chương trình văn học, gần như Khánh không trả lời được. Quả là em rất yếu trong môn này. Học kém chưa hẳn đã là dốt, có thể là khả năng chưa bộc lộ được mà thôi. Kết quả không lâu sau đó đã cho thấy nhận định của tôi là đúng. Cuối buổi, hai thầy trò thống nhất lập ra một thời khóa biểu cho việc học, do thời gian gấp gáp nên có nhiều buổi phải học vào ban đêm.
Đi kèm với các môn thi khác, tôi đặc biệt dạy thêm cho Khánh về môn Văn. Mấy buổi đầu cậu vẫn chưa bỏ được thói cũ, thi thoảng đang học thì lại gấp sách lại mà vò đầu bứt tai, than phiền rằng khó quá vì kiến thức bị hổng nhiều. Dần dà Khánh có hứng thú với môn học này và tiến bộ rất nhanh. Nhiều hôm cậu còn hứng chí mà đọc thơ cho tôi nghe nữa. Ngay cả cách ăn nói của em cũng thay đổi, lịch sự và văn hoa hơn, có lẽ do ảnh hưởng của môn Văn học.
 Tôi xoa đầu cậu trò nhỏ, nói đùa:
- Nếu em cứ nói chuyện thế này, hẳn các bạn gái sẽ rất thích đó!
Khánh cười một cách khoái chí. Quả là thái độ của cậu trở nên tự tin hơn trước rất nhiều. Chúng tôi cứ thế đối xử với nhau như hai người bạn, vì vậy mà Khánh quý thầy lắm. Tôi không gò bó em trong việc học, những hôm gia đình có việc, hai thầy trò đều thống nhất đổi lịch. Thấy con nhanh tiến bộ như vậy, bố mẹ cậu cũng mừng lắm. Vì vậy mà trên bàn học, hôm nào cũng để sẵn những nước ngọt và hoa quả để hai thầy trò giải khát.
Có hôm đi dạy buổi tối về, khi ra cách nhà được mấy mét, do không nhìn thấy đường, loạng quạng thế nào mà cả người lẫn ngựa của thầy rơi xuống cái mương cạn gần nhà. Tôi hốt hoảng gọi Khánh, cậu học trò liền nhanh chóng mang đèn ra, rồi í ới gọi người nhà ra đỡ thầy lên. Thật là một kỷ niệm vui và đáng nhớ.
Cuối đợt học, tôi dặn dò Khánh mọi chuyện trước kỳ thi, rằng khi nào có kết quả thì nhớ gọi điện báo tin cho thầy ngay. Cậu ta vâng dạ, rồi hai thầy trò bịn rịn chia tay nhau.
Hôm đó tôi đang ngồi học ở phòng thì cô chủ nhà gọi sang nghe điện thoại. Thì ra là Khánh gọi, cậu báo tin đã thi đỗ tốt nghiệp và cảm ơn thầy. Đặc biệt là điểm môn Văn cao hơn các môn khác. Tôi vui mừng lắm, và chúc cho em có một tương lai tốt. Vui vì học trò của mình đã thi đỗ, và hơn nữa là em đã tiến bộ hơn rất nhiều.
Lần khác tôi dạy cho Tùng – một cậu học sinh lớp 9. Tuy ở trên phố nhưng gia đình em có một căn nhà khác ở bên hồ Tây, hai thầy trò học ở đó. Lần này thì được thảnh thơi hơn một chút, vì chỉ dạy cho Tùng học trước chương trình cấp 3 nên không gấp gáp cho lắm, nhà cậu có điều kiện nên mới như vậy. Chiều chiều, mỗi khi kết thúc buổi học là hai thầy trò lại ra cái khoảng sân rộng phía trước để đánh cầu lông, từ đây nhìn ra có thể thấy hồ Tây và nghe được tiếng sóng vỗ ì oạp bên đó. Thời gian này tôi phải dạy kèm cho mấy em nữa, cho nên lịch trình kín các ngày trong tuần. Các em lại ở xa nhau nên việc đi lại hơi vất vả. Tôi còn nhớ cô bé Hương học lớp 8, vì em khá ngoan và tình cảm.
Hôm đó như thường lệ, tôi đến dạy kèm cho Hương. Vừa đến nơi thì thấy Hương đã đứng đón ở cửa, và khóc thút thít. Cô bé nói trong nước mắt:
- Thầy ơi! Thế là sắp tới thầy trò mình không được học với nhau nữa rồi!
Tôi ngạc nhiên hỏi lý do, cô nói:
- Nhà em sắp chuyển về Hải Phòng. Bố mẹ em quê ở dưới đó!...
Những tình cảm thầy trò như vậy khiến tôi rất xúc động, và cho rằng đó là một món quà lớn lao vậy.
Có những lần, chuyện dạy học lại giống như một cuộc thử nghiệm và đối thoại phương pháp. Lần đó tôi nhận dạy cho một cậu học sinh lớp 5 với yêu cầu từ phía gia đình là phải giúp em thi đậu vào trường chọn Marie Curie. Qua kiểm tra, tôi biết được khả năng của em chỉ đạt mức trung bình khá. Vì em có thể làm tốt các bài toán bình thường trong sách giáo khoa, nhưng bài có dấu sao thì phần lớn không làm được. Những bài toán nâng cao thì càng khó hơn nữa. Cậu chưa phải là học sinh giỏi chứ đừng nói gì đến xuất sắc. Việc thi vào trường chọn Marie Curie phải là những học sinh giỏi trở lên, vì đề thi rất khó.
Khoảng hơn tuần sau, mẹ cậu hỏi tôi:
- Thầy có khẳng định lần này cháu sẽ thi đỗ không?
Thấy chị những tràn đầy hy vọng, tôi đành nói thật:
- Nói chị bỏ quá cho! Cháu nhà mình không đủ khả năng để thi vào trường Marie Curie đâu. Trong tay tôi có đầy đủ đề thi tuyển sinh của trường các năm gần đây. Tôi cũng đã cho cháu làm thử, nhưng không làm được. Trình độ của cháu còn có khoảng cách khá xa…
Khuôn mặt chị đỏ bừng vì tự ái:
- Con tôi nó học khá mà. Cháu phải thi đỗ trường này mới được!
Tôi vẫn từ tốn giải thích:
- Có lẽ chị đã kỳ vọng quá lớn, trong khi lại không hiểu năng lực của con mình. Cháu nó chỉ là học sinh trung bình khá mà thôi. Có nghĩa là hơn học sinh bình thường một chút. Còn nếu học chương trình cao hơn thì cháu không tiếp thu nổi. Cứ tiếp tục như vậy sẽ có hại chứ không có lợi cho cháu đâu!…
Chị vẫn kiên quyết:
- Tôi mặc kệ. Hai thầy trò làm sao đó thì làm. Mục tiêu của gia đình là phải cho cháu vào đó học!...
Khuyên giải chị không nghe, tôi đành cho cháu học với lịch dày hơn, vì ngày thi đã đến gần. Kết thúc đợt học, cả thầy và trò đều ốm. Trò thì ốm do học quá sức, còn thầy thì bởi mắc mưa và đi lại nhiều. Nhìn thấy cậu quý tử nằm sốt ly bì, bà mẹ đứng ngồi không yên, phần vì thương con, phần vì lo sắp đến ngày thi.
Lần này tôi quyết định nói hết những gì mình suy nghĩ, hòng mong chị thay đổi quan niệm chăng:
- Chị à! Thầy dạy là một chuyện, năng lực của học trò lại là chuyện khác. Phương pháp tốt nhất là phải dạy những gì phù hợp với khả năng của trẻ. Quan trọng là những gì bé tiếp thu được, chứ không phải là hình thức. Không nên nhồi nhét và ép buộc trẻ, có như vậy thì trẻ mới có tâm lý thoải mái mà học tập…
Bây giờ có lẽ chị đã hiểu, nên không còn bảo thủ với quan niệm của mình nữa. Chị cho rằng tôi đã nói đúng và hứa sẽ cho cháu học trường nào phù hợp với khả năng. Cho nên việc dạy học không chỉ là truyền thụ kiến thức, mà còn phải có phương pháp tốt nữa.
Trong nghề gia sư, tôi còn nhận dạy kèm cho nhiều em khác nữa. Mỗi em đều cho tôi một bài học về phương pháp và kinh nghiệm riêng. Tôi thấy vui vì đã giúp đỡ những hoàn cảnh, mở mang thêm chút ít kiến thức cho các em, những chủ nhân của cuộc đời này.
Dân tộc ta hiếu học, có truyền thống tôn sư trọng đạo. Chỉ mấy tháng đi dạy học, nên tôi tâm đắc với câu nói này của cổ nhân: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vậy.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More