“Mưa mịt mùng” một bài thơ lạ của Dương Kỳ Anh.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh
Bảo Nam

Theo dõi đường đi của một số nhà thơ nổi tiếng cho thấy mấy năm lại đây họ gác lại cảm xúc tình yêu đôi lứa, nỗi niềm riêng tư, mà xông thẳng đến những sự tình nóng bỏng của đất nước. Tuy nhiên mỗi người có một lối đi, một thể loại thơ và nghệ thuật khác nhau. Người dùng ngôn từ súc tích, cô đọng tác động trực tiếp mạnh mẽ, người tạo cấu tứ, chọn thể loại đầy ấn tượng. 

Có bài thơ đọc xong cười thắt ruột, hoặc đấm mạnh tay xuống bàn, lòng uất nghẹn đến trào máu. Đó là những thể hiện của các nhà thơ ; Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khoa Điềm, Tùng Bách,  Trần Mạnh Hảo… 

Nhưng cảm xúc của thơ Dương Kỳ Anh (DKA) lại không như thế, đọc xong thơ của anh ta thấy bàng hoàng, man mác, luyến tiếc như vừa mất một cái gì đó khó tìm lại, nhưng lại không hẫng hụt mà có một niềm tin từ gan ruột của thơ lóe lên lấp lánh. “ Mưa mịt mùng” là một bài thơ mới lạ của anh nói lên những điều đó.

“Mưa mịt mùng”

“Màn mưa mịt mùng, mùa mưa rồi
Mịt mùng trời đất, mịt mùng rơi
Lòng người mịt mùng như biển khơi
Lạc giữa mịt mùng đất nước tôi”…

Một trời đất mưa mù mịt hiện lên. Mưa như đang rơi xuống đầu chúng ta. Lạnh và nghe tê tái chứ không mát mẻ chút nào. Rõ ràng nhà thơ không tả cảnh trời mưa đơn thuần, cái đó dành cho người không hiểu thơ, không thẩm thấu được từ cốt tủy. Cái thanh tao vút cao của kẻ sỹ như bứt phá khỏi sự tầm thường, đơn độc, đúc kết thành một khối sắt thép của khổ thơ đầu. 

Thường thì người ta nói mưa mịt mù, mưa to không trông thấy gì nữa, nhưng DKA lại viết “Mưa mịt mùng” có gì đó nhẹ đi rất nhiều trong khung cảnh, để ta còn trông thấy xung quanh. Nhưng về âm thanh thì mịt mùng và mịt mù đều như nhau. Đó là hai trong một, là sự tinh túy của thơ, sự thăng hoa của cảm xúc đã lên đến tột đỉnh. Bốn câu thơ mở đầu ở câu nào cũng có từ kép “ Mịt mùng”, lúc ở đầu câu, lúc ở giữa, đây là sự sắp xếp đầy nghệ thuật, không xáo trộn rối mù chút nào như một điều ngộ nhận vội vã. Tứ thơ đầu ta có thể chia làm hai phần, hai câu đầu

“Màn mưa mịt mùng, mùa mưa rồi
Mịt mùng trời đất, mịt mùng rơi”

Đây chỉ là sự báo hiệu mùa mưa, một chút tả cảnh đơn thuần, nhưng cao hơn cả là lời cảnh tỉnh để hết thảy chuẩn bị đối phó. Đến hai câu tiếp theo thì không còn là chuyện mùa mưa nữa, lòng thi nhân cũng bắt đầu nhói lên trong bối cảnh mịt mùng

“Lòng người mịt mùng như biển khơi
Lạc giữa mịt mùng đất nước tôi”…

Sóng trong nhà thơ đã cồn cào, mưa mịt mùng của anh đã ướt đẫm cùng nhân dân, đất nước: Tìm về cội rễ của thơ ca muôn đời khi Dương Kỳ Anh với chùm thơ “Trò đùa nhân thế”, “Về tắm biển Thiên Cầm”, “Ta một mình”, tưởng thi sỹ trốn vào thiên nhiên , trốn vào cõi mộng :

“… Ta giờ như con sóng
Xóa hết nỗi ưu phiền
Ta giờ như cánh nhạn
Thả mình vào thiên nhiên

Về tắm biển Thiên Cầm
Đàn trời, trời cứ gảy
Đàn ta, ta cứ chơi
Cho biển tan vào trời”…

Nhưng dù trốn đi đâu thì  bạo quyền, bất công, độc ác hiện ra trước mắt thi nhân . Và Dương Kỳ Anh  lại quay về trong bản giao hưởng hào hùng chung của nhân dân. Không thế mà trong bài thơ “Ta, một mình” ở hai câu cuối anh đã phải khóc khô khốc vì không còn nước mắt “Ta một mình chậm rãi. Úp mặt vào hư không”. Ngay bài thơ “Trò đùa nhân thế” cũng đã thể hiện cốt cách của thi sỹ đau cùng nỗi đau nhân loại:

“Buổi sáng cậy mưa nguồn
Chiều đã dâng chớp bể
Ngẫm sự đời cũng thế
….
Ở đâu gừng cũng cay
Nơi nào muối cũng mặn
Đời bao nhiêu cay đắng
Ta ngọt lành được chăng?!”

Điểm qua một chút để biết thêm về một trong những nhà thơ nổi tiếng DKA, người mà giới phê bình thơ văn hiện đại Việt Nam còn gọi là “Cha đẻ của hoa hậu Viêt Nam”, nguyên một tổng biên tập lâu năm nhất của báo Tiền phong (21 năm). Trở lại bài thơ “Mưa mịt mùng” anh viết trong mùa mưa 2014 ở nhà vườn Sóc Sơn. Năm 2014 là cao điểm của đất nước suy thoái về kinh tế, thất nghiệp gia tăng, tham nhũng hoành hành, biển Đông, Trường Sa, Hòang Sa giặc Tàu ngang nhiên  tranh cướp, đến nỗi thi sỹ trong giấc ngủ “ Đêm nằm mơ thấy biến Đông hộc máu” (thơ Nguyễn Trọng Tạo). 
Khổ thơ thứ hai trong bài “Mưa mịt mùng” anh viết:

“Đội đất mịt mùng nhú mầm cây
Mịt mùng lúa ngô trên vai gầy”…

Trời mưa và đất bắt đầu cây nẩy mầm, cũng như quy luật, ở đâu có bất công ở đấy có đấu tranh. Mưa mịt mùng đã hé lên một ánh sáng, cho dù chỉ “Nhú mầm cây” và vẫn “Mịt mùng lúa ngô trên vai gầy” nhưng đã có thu hoạch, như đấu tranh cho công bằng lẽ phải đã có gặp hái. Nhưng tại sao lại có mưa mịt mùng? người cảm thụ thơ tự tìm kiếm bằng thực tế cuộc sống hiện tại, nhà thơ không làm bài toán 1 + 1= 2 mà mở thêm một thực tế, trở lại điệp khúc “Mưa mịt mùng”

“Mịt mùng mắt người, mờ mịt mãi
Bốn phía mịt mùng ai bủa vây ?!”

Mưa mịt mùng là một bài thơ buồn trong nhân tình thế thái, nhưng không bị lụy. Bằng nghệ thuật tu từ được điệp khúc “Mưa- Mịt mùng” ở câu nào cũng có làm nổi lên một bài thơ lạ, chỉ hai khổ, tám câu nhưng càng đọc càng lôi cuốn.

Có người bảo một bài thơ có sức mạnh như một binh đoàn, đây là một trừu tượng có lý.
Trong tự sự của nhà thơ nổi tiếng- Hữu Loan cũng nói đến sức mạnh của thơ : Ông thoát chết dưới họng súng của tay thi hành lệnh CCRĐ bởi nhà thơ có bài viết về quê hương hắn. Sức mạnh của thơ là thế, nó sẽ thức tỉnh nhân cách nơi lấp khuất của kẻ thù. Và tôi tin “Mưa mịt mùng” của DKA ít nhiều cũng làm nên điều kỳ diệu.

Bảo Nam.
Tác giả gửi đến DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More