Không thể treo cổ nền báo chí độc lập !

Trần Quang Thành - RadioCTM

Nhà báo Phạm Chí Dũng

Liên hiệp quôc lấy ngày 3 tháng 5 hàng năm làm Ngày Tự do báo chí thế giới. Nhân dịp này, năm nay tại Quốc hội Mỹ  vào ngày 29/4 sẽ tổ chức buổi điều trần về tự do thông tin tại Việt Nam. Chủ đề buổi điều trần là “Media Freedom in Vietnam – Tình Hình Tự Do Báo Chí tại Việt Nam”. Đây là một diễn đàn quốc tế để Quốc Hội, các tổ chức vận động cho tự do thông tin và các blogger trình bày về tình hình tự do báo chí, cũng như cùng thảo luận về các chính sách của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ việc xây dựng xã hội dân sự tại Việt Nam.
Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng các báo cáo nhân quyền gần đây cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội vẫn không ngừng sách nhiễu, đàn áp các quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin và rất nhiều các quyền căn bản khác của người dân. Việt Nam không có truyền thông độc lập hay tư nhân và nhà cầm quyền luôn tìm cách áp bức và giam cầm, bắt giữ các blogger và nhà báo độc lập khi họ phổ biến quan điểm của họ.

·                     Trong phái đoàn các bloggers, nhà báo độc lập đến từ Việt Nam có 3 người bị
cấm xuất cảnh đó là :

·                     Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

·                     Blogger Nguyễn Lân Thắng

·                     Phóng viên độc lập Anna Huyền Trang
Nhân kỷ niệm  Ngày tự do báo chí thế giới 3/5 và  cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam, nhà báo Phạm Chí Dũng đã có cuộc trò  chuyện với nhà báo Trần Quang Thành.


 ***

Trần Quang Thành: Xin chào nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng.


Phạm Chí Dũng: Xin chào nhà báo Trần Quang Thành. Sắp tới ngày 3-5 là ngày tự do báo chí của thế giới và các nhà báo độc lập trên thế giới, chúc anh một năm mới bình yên và độc lập hơn.


TQT: Thưa nhà báo Phạm Chí Dũng, như anh đã nói ngày 3-5 đã được Liên hiệp quốc chọn là ngày Quốc tế tự do báo chí. Anh đánh giá thế nào về ngày mà LHQ chọn?


PCD: Cảm xúc hơi khó tả. Vì với tôi từ trước tới giờ, những năm gần đây đã quen với ngày 21/6 là ngày nhà báo VN, và tôi nghĩ rằng có lẽ sẽ phải chuyển ngày 21/6 ngày nhà báo VN thành ngày 3/5. Đó là một sự chuyển biến từ một không gian không độc lập sang một không gian độc lập, vì ngày 3/5 là ngày nhà báo tự do của thế giới.


Một kỷ niệm mà tôi nhớ là vào ngày 3/5/2012, trên một diễn đàn quốc tế, Tổng thống Barack Obama đã vinh danh nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Mặc dù đối với nhiều tờ báo Đảng trong nước họ không quan tâm đến việc này và họ chưa từng xem Điếu Cày là một nhà báo chính danh. Với họ một nhà báo chính danh là người ít nhất phải có thẻ nhà báo được cấp bởi Bộ văn hóa thông tin trước đây và Bộ thông tin truyền thông ngày nay của chính quyền. Tất nhiên nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải không thể có cái thẻ như vậy rồi. Nhưng xét theo tiêu chí của nhà báo tự do quốc tế thì anh không cần có bất kỳ một thẻ nhà báo nào do Bộ thông tin truyền thông cấp. Vì vậy chúng ta có thể nói đó là sự vinh danh về tính độc lập của một nhà báo.


Bây giờ chúng ta cùng tranh luận thế nào là một nhà báo độc lập vì một nền báo chí độc lập. Một nhà báo độc lập trước hết phải độc lập đối với hệ thống định hướng tuyên truyền của nhà nước, của chính quyền, đặc biệt trong chính thể cầm quyền ở VN hiện nay. Đã quá lâu rồi Ban tuyên giáo trung ương, Bộ TTTT và các sở ban ngành thông tin ở các địa phương đã duy trì một hệ thống thông tin một chiều và chỉ có một chiều mà thôi, làm lụi tàn sáng tạo của các nhà báo chân chính – những nhà báo thực sự muốn có những sáng tạo độc lập, những phát kiến độc lập, những bài điều tra độc lập chống tham nhũng và nêu lên chính kiến của mình thể hiện quyền tự do phát biểu chính kiến, quyền tự do biểu đạt. Nhưng quá lâu rồi họ đã bị ngăn cản bởi hệ thống thông tin rất kinh viện, không những không đi sát và phản ánh thực tế đời sống của người dân mà còn né tránh xa rời nó giống như là một hệ thống thông tin đóng thùng vậy…


Trong khi đó các nhà báo độc lập có không gian hoạt động riêng và ít nhất là họ độc lập về mặt tư tưởng đối với nhà nước. Do sự độc lập về tư tưởng như vậy mà trong những năm qua đã có một số nhà báo lề phải của VN cũng cần được vinh danh không kém Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Đó là những nhà báo đã có những bài điều tra, mặc dù trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, về nạn tham nhũng trong lĩnh vực ODA. Còn nhớ hồi năm 2008 hai phóng viên của báo Thanh Niên đã bị tù tội trong việc chống tham nhũng trong lĩnh vực ODA.


Tổ chức bảo vệ nhà báo thế giới (CPJ) đã xếp VN vào quốc gia đứng thứ ba về kỷ lục giam giữ các nhà báo. Có tới 18 nhà báo đang bị giam giữ trên toàn quốc và đó là một thành tích rất đáng không khích lệ, không khuyến khích được nền tự do báo chí ở VN. Cho dù điều 69 Hiến pháp 1992 và HP sửa đổi 2013 vẫn luôn luôn cho rằng báo chí ở VN có tự do, nhưng thực tế ở VN báo chí gần như không có tự do. Tôi muốn dùng chính xác cụm từ “gần như không có tự do”. Tất nhiên các phóng viên có quyền sáng tác riêng, nhưng hầu hết các Ban biên tập lại bị chi phối bởi các cơ quan nhà nước cấp trên – là nơi mà những bài báo chân chính khó mà lọt được vào, khó có thể qua được sự kiểm duyệt vô hình được thiết lập từ trên xuống dưới.


Đó là vấn đề tôi muốn nên lên để trả lời câu hỏi của nhà báo Trần Quang Thành rằng ngày nhà báo tự do Quốc tế có ý nghĩa như thế nào. Và tôi muốn nêu một đề xuất nhỏ bé thôi, là đã đến lúc chúng ta – những người làm báo và những người viết báo chân chính – nên suy nghĩ để chuyển ngày nhà báo VN ngày 21/6 hàng năm sang ngày 3/5 là ngày nhà báo tự do Quốc tế, để cần có một sự tôn trọng đối với sự độc lập của nhà báo.


Dù sự chuyển đổi đó có thể làm mích lòng Ban tuyên giáo trung ương, Bộ TTTT hay là toàn bộ hệ thống TTTT một chiều của Đảng, nhưng bù lại nó vinh danh sự độc lập, tự do tư duy, tự do biểu đạt của các nhà báo trong một xã hội khép kín, trong một chế độ chính trị khép kín . Điều đó cực kỳ cần thiết vì nó làm cho các nhà báo có không gian, có đất để sáng tạo. Sẽ có nhiều bài báo hay và thiết thực với dân chúng chứ không hẳn là chỉ thiết thực với chế độ chính trị.


TQT: Những người lãnh đạo của ĐCS VN nói rằng mở một cuộc vận động sâu rộng trong quần chúng là “đọc và làm theo báo”, nhưng mà báo ấy là báo lề Đảng độc nói một chiều tư tưởng. Vậy theo anh thì làm sao chúng ta có thể thực hiện được điều đó?


PCD: Có một tiêu chí để chúng ta có thể phân định việc có nên đọc và làm theo báo đảng hay không. Báo chí được quyết định bởi cái gì? Về mặt nghiệp vụ thì đó là nội dung thông tin và số lượng phát hành và lượng tiêu thụ thực tế. Thế thì thử hỏi những tờ báo Đảng ở VN như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, Sài Gòn Giải Phóng ở Sài Gòn hay là Công an nhân dân của Bộ CA… có được lượng phát hành là bao nhiêu?


Tôi đơn cử tờ Nhân dân và QĐND hiện nay được phát hành “ấn”, tức từ lâu lắm rồi những tờ báo này phát hành theo một hệ thống nội bộ các cấp ủy từ trên xuống dưới, thậm chí là bán “ấn” cho đến cấp ủy cơ sở phường xã địa phương. Nếu đằng thẳng ra thì bán được rất ít. Có thể thấy các báo Nhân dân, QĐND hầu như không xuất hiện trên các sạp báo ở ngoài đường. Có thể nói là tiêu chí của tờ báo phát hành có thành công hay không là có thấy tờ báo ấy xuất hiện trên các sạp báo bán lẻ ngoài đường hay không. Rất nhiều tờ báo đã xuất hiện, chỉ trừ các tờ báo Đảng. Theo tôi biết thì các tờ Nhân dân hay QĐND chỉ phát hành vài ba chục ngàn bản, mà đó là bán theo chỉ đạo của các cấp ủy ở trên tới các cấp ủy địa phương và các địa phương buộc phải mua. Nếu không có chỉ đạo thì có lẽ các địa phương sẽ rất tiết kiệm trong việc đặt mua báo Đảng.


Trong khi đó, số lượng phát hành của các tờ báo khác có vẻ gần gũi với quần chúng hơn như Thanh Niên là trên 300 ngàn bản, Tuổi Trẻ trước đây cũng trên 300 ngàn, gần đây mặc dù đã xuống thấp nhưng vẫn còn trên 200 ngàn, từ 200-250 ngàn. Số lượng này gấp gần 10 lần các tờ báo Đảng, cho thấy độc giả đang quan tâm đến những gì ? Họ quan tâm đến những vấn đề mà Thanh Niên Tuổi Trẻ đề cập gần với đời sống hơn hay họ quan tâm đến vấn đề ý thức hệ hay hệ thống Đảng trị ngự trên các tờ Nhân dân và QĐND? Điều đó cũng gián tiếp trả lời câu hỏi của anh TQT là người dân có nên làm theo báo Đảng hay không.


TQT: Với chế độ thực dân Pháp trước đây thì ĐCS đã giảng rõ rằng nó là thứ chủ nghĩa ngu dân vì nó chỉ rao giảng những gì có lợi cho chủ nghĩa tư bản. Nhưng thực tế trong chế độ thực dân Pháp cũng còn có báo tư nhân, cũng còn có tiếng nói của những nhà báo độc lập. Nhưng dưới chế độ của CS VN hiện nay thì chúng ta không ngu dân nhưng chỉ tuyên truyền độc đảng theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin, không được tự do báo chí, không có báo chí tư nhân. Vậy nên nỗi lo của người dân VN bây giờ là có lẽ báo chí dưới chế độ hiện giờ đang là ngu dân. Anh Phạm Chí Dũng nghĩ sao ?


PCD: Thực ra nói VN không có báo chí tư nhân cũng không hẳn đúng đâu anh. Đã hơn 20 năm qua sau thời mở cửa kinh tế, báo chí tư nhân bắt đầu xuất hiện, từ những năm 1994-1995 dưới dạng phụ trương, phụ san của những tờ báo chính thống.

Nhưng chưa bao giờ nhà nước thừa nhận báo chí tư nhân về mặt hình thức, chưa bao giờ trong Hiến pháp và trong tất cả các văn bản pháp quy thừa nhận báo chí tư nhân. Báo chí chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng và nhà nước, đó là nguyên tắc bất di bất dịch hiện nay. Nhưng mà có chút tréo ngoe thế này: cách đây mười mấy năm là đã có ít nhất vài chục tờ báo tư nhân ra đời, song song với hệ thống báo chí nhà nước hiện hành. Những tờ báo tư nhân này không được nhà nước chú ý bởi đó chỉ là những tờ báo thương mại thuần túy, những tờ báo mà người ta gọi là theo xu hướng cướp – giết – hiếp, chỉ tung ra những chiêu câu khách cực kỳ rẻ tiền để có thể bán báo và lấy quảng cáo mà thôi. Sự tồn tại của báo chí tư nhân trên bình diện như vậy vô hình chung làm cho cho nhà nước hài lòng nhưng cả một nền báo chí cảm thấy bị xúc phạm.


Vậy thì với vấn đề báo chí tư nhân hiện nay, chúng ta cần cái gì? Nền báo chí chính thống cần phải có tính độc lập của báo chí tư nhân, thể hiện quan điểm chính kiến độc lập của báo chí tư nhân về các vấn đề chính trị xã hội chứ không phải là cho ra báo chí tư nhân trá hình, bỏ mặc nó muốn làm gì thì làm và đẩy nền nhận thức và dân trí của xã hội xuống vực thẳm như tình trạng báo chí tư nhân hiện nay.


Theo quan điểm của tôi, với báo chí tư nhân hiện nay cho dù được hợp thức hóa thì tôi cũng không đồng ý, vì đó là nền báo chí tư nhân nhếch nhác tởm lợm với mọi thông tin câu khách cướp để bán báo thôi, mọi thông tin cướp – giết – hiếp thì làm sao mà người dân có thể chấp nhận được. Việc đọc và mặt bằng dân trí của người đọc bị tồi tệ hóa đi theo những thứ báo chí như vậy. Chính những tờ báo chí tư nhân cùng với một số báo chí nhà nước cùng hướng đến tôn chỉ cướp – giết – hiếp như vậy đã làm cho nền báo chí VN trở nên rất đáng xấu hổ.


Cái mà chúng ta cần đối với xã hội tương lai của VN là những tờ báo tư nhân có tiếng nói độc lập, với những nhà báo độc lập dám thể hiện quan điểm chính thống. Đó cũng là một vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang đặt ra đối với nhà nước VN. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng đặt ra vấn đề là cần phải có truyền thông tư nhân, nhưng hơn hai chục năm qua thì Hiến pháp VN cũng như toàn bộ các văn bản, kể cả não trạng của tất cả giới chức cầm quyền VN, vẫn chưa thể bằng lòng với chuyện tồn tại song song một nền báo chí độc lập của tư nhân. Đó là một điều rất đáng tiếc. Nhưng tôi hy vọng trong những năm tới đây và không còn xa lắm, tiếng nói chính thức của các nhà báo độc lập sẽ được nâng lên và giới cầm quyền phải dần tôn trọng những tiếng nói độc lập đó hơn, và họ sẽ không thể dùng Ban tuyên giáo TW như là một hệ thống kìm kẹp tư tưởng hay một vòng kim cô về não trạng để có thể làm cho những nhà báo chân chính phải tắt tiếng.


TQT: Trên thực tế hiện nay ở nước ta đang song song tồn tại hai hệ thống báo chí mà người dân gọi là hệ thống báo chí lề Đảng và hệ thống báo chí lề dân, nhà báo PCD bình luận sao về vấn đề này?


PCD: Đó là vấn đề thú vị, vì ít nhất thể hiện rằng triết học nhị nguyên có cơ sở của nó. Triết học nhị nguyên có cơ sở của nó từ thời cổ đại mà cho tới thời cận đại và hiện đại vẫn mang giá trị phổ quát của nó. Lịch sử đã chứng minh rằng 98% các chế độ nhất nguyên trên thế giới đã xảy ra khủng hoảng chính trị và khủng hoảng quân sự liên tục, và đó là những chế độ dễ chao đảo nhất, dễ biến động biến loạn nhất, hết chiến tranh này đến nội chiến khác. Trong khi đó phần lớn chế độ dân chủ chấp nhận nhị nguyên và đa nguyên thì ít có xáo động, ít biến loạn xã hội. Điều đó cũng liên quan trực tiếp đến vấn đề truyền thông và báo chí, có nghĩa là nếu chỉ duy trì cái nhìn một chiều, tư tưởng một chiều nhất nguyên thì không thể có sự sáng tạo được. Đến lúc nào đó theo quy luật áp bức về tư tưởng thì chủ nghĩa nhất nguyên sẽ gây một sức nén, một sự đàn áp về tư tưởng với xã hội đủ lớn, để trước hết là những tầng lớp dưới đáy xã hội phản ứng, sau đó là tầng lớp trí thức, khiến xã hội rơi vào trạng thái biến loạn thường xuyên và liên tục.


Như vậy việc hình thành truyền thông lề trái hay còn gọi là lề dân, hay còn một cụm từ khác mới sau này là truyền thông xã hội, là việc chuyển đổi tuân theo quy luật chuyển hóa từ lượng sang chất và chuyển hóa từ tư tưởng nhất nguyên sang tư tưởng nhị nguyên, thể hiện ở ít nhất hai hệ thống thông tin chứ không phải là chỉ một hệ thống.


Ở VN cho tới giờ có một điều cũng đáng mừng là 1/3 dân số đã biết sử dụng Internet trong đó có tôi (tôi thuộc số người có lẽ là chậm tiến nhất vì chỉ gần đây mới biết sử dụng Internet). Nhưng phần lớn người sử dụng Internet không biết cách vượt tường lửa để vào những hệ thống thông tin đa đạng của truyền thông xã hội, nên hiệu quả của truyền thông xã hội ở VN hiện nay là không lớn, khá ngược lại với hiệu ứng của truyền thông xã hội VN đối với dư luận và tâm lý người VN ở hải ngoại, bởi họ không phải vượt bức tường lửa mà vẫn có thể vào đúng trang thông tin xã hội để đọc.


Nhưng vượt bức tường lửa ở VN là khá khó khăn. Đó cũng là một trong những yêu cầu đối với các quốc gia trong những kỳ kiểm điểm phổ quát về nhân quyền, là phải ngay lập tức hủy bỏ chế độ rào chắn tường lửa đối với các thông tin trên Internet. Nhưng cho đến giờ thì đại đa số các trang gốc của truyền thông xã hội vẫn bị ngăn chặn một cách rốt ráo. Tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng người ta cho rằng hàng năm nhà nước phải bỏ ra một số tiền rất lớn để duy trì cơ chế chặn các bức tường lửa như hiện nay, và duy trì một con số lớn có lẽ đến hàng chục ngàn dư luận viên từ cấp TW đến cấp xã phường để có thể lung lạc tình hình tranh đấu trên mạng truyền thông. Điều này có thể có cơ sở vì Trung Quốc duy trì 2 triệu dư luận viên dùng từ tiền thuế của dân, làm tất cả để phục vụ hệ thống thông tin một chiều của Đảng. Lề dân ở VN cũng đang phải đối phó với thách thức như vậy.


Nhưng dù gì, đây là một triển vọng đáng mừng vì từ giữa năm 2011 đến nay, mới chỉ gần 3 năm mà hệ thống truyền thông của lề dân đã phát triển khá nhanh. Ở VN có ít nhất 20 trang web và blog đáng chú ý. Những trang tin tổng hợp cũng có, thông tin chuyên ngành cũng có và tập trung những cây viết có tên tuổi và viết ngày càng sắc sảo. Có những trang gần như một tờ báo, và nếu như có sự chuyển từ chế độ nhất nguyên sang nhị nguyên thì tôi tin rằng chỉ trong một sớm một chiều những trang Web đó sẽ trở thành những tờ báo có sức cạnh tranh đáng kể với những tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất ở VN hiện nay như Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Còn đối với những tờ báo đảng như Nhân dân, QĐND thì chắc chắn là bị báo chí truyền thông xã hội vượt xa.


TQT: Ngày quốc tế tự do báo chí năm nay được ghi dấu bằng một sự kiện là một số dân biểu Hoa Kỳ, các tổ chức bảo vệ nhà báo và nhân quyền đã mời một đoàn những người làm báo ở VN qua Hoa Kỳ để mở cuộc vận động cho tự do báo chí ở VN. Ông đánh giá sao về sự kiện này?

PCD: Tôi thấy hình ảnh chị Kim Chi – nữ diễn viên điện ảnh có tiếng một thời – nở nụ cười tươi rói ở phi trường Dulles ở Washington DC, và tôi thấy nụ cười này nói lên tất cả, rằng mặc dù chị chưa bao giờ là một nhà báo, mặc dù chị chưa bao giờ là một blogger, nhưng mà chị đang tự do về tư tưởng và trên hết chị đang tự do về tâm hồn. Có lẽ chị biểu cảm cho điều mà người ta hay tuyên truyền ở VN là chỉ số hạnh phúc của người VN đứng thứ nhì thế giới, nhưng có lẽ chỉ số đó chỉ biểu hiện ở ngoài biên giới VN mà thôi, chứ ở VN thì không thể được như vậy.


Ít nhất cũng có vài ba người, và tôi đang nghe là con số có thể lên đến 5 người đến được hội thảo báo chí về nền báo chí độc lập kỳ này tại Washington DC. Tôi cầu chúc họ thay mặt các nhà báo độc lập và kể cả các nhà báo lề phải ở VN, nói lên được tiếng nói chính trực và độc lập rằng nền báo chí độc lập ở VN có cần thiết hay không và cần thiết ở mức độ nào, nếu cần thiết thì phải làm gì để xây dựng nền báo chí độc lập ấy, phải làm gì để nền báo chí độc lập của VN không bị treo cổ.


TQT: nhà nước VN nói rằng ở VN báo chí rất là tự do. Họ còn khoe là có khi báo chí VN tự do nhất thế giới, chuyện đi lại của người dân rất được tôn trọng. Nhưng trên thực tế, trong thời gian gần đây những nhà báo không nói lên ý của Đảng đều bị trù dập, bị cản trở xuất ngoại. Anh là một điển hình của hai lần liên tiếp bị cản trở, từ lúc bị cản trở  dự UPR tháng 2/2014 cho đến lần này lại đang bị cản trở, không biết có khắc phục được cản trở để dự hội thảo vấn đề tự do báo chí vào ngày 29/4 và ngày 3/5 sắp tới tại Hoa kỳ. Nhà báo Huyền Trang của Dòng chúa cứu thế cũng bị chặn ở sân bay. Ông Nguyễn Lân Thắng, người có nhiều tập ảnh chụp cung cấp cho các trang tin quốc tế, cũng bị chặn không được đi tiếp. Anh nghĩ sao về những lời nói và việc làm cản trở của nhà nước VN đối với những nhà báo tự do?


PCD: Chính xác là họ đang cản trở chính họ. Chính xác là nhà nước VN đang có những động thái cản trở chính nhà nước VN trong việc hội nhập với thế giới. Và chính xác hơn nữa là nhà nước VN đang làm lùi đi bước tiến trong việc gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương TPP.

Về vấn đề TPP cũng như triển vọng làm đối tác chiến lược toàn diện với Hoa kỳ hay Hiệp định đa phương thương mại với Cộng đồng Châu Âu, tôi nghĩ rằng sau vài chục vòng đàm phán liên tục trong mấy năm vừa qua, nhà nước VN đã tiến khá gần cái đích mà họ mong muốn. Một trong cái đích họ đã đạt được chính là cái ghế trong Hội đồng nhân quyền LHQ. Nhưng quyền lợi cụ thể hơn phải nằm trong những hiệp định thương mại, kinh tế chứ không phải là những danh hiệu ảo. Vấn đề là nhà nước VN đang tự cản trở họ, vì đối với Phương tây không thể có TPP nếu không có nhân quyền – đó là điều kiện tiên quyết và đó cũng là một qui luật nhân quả đối với nhà nước VN, với những gì mà họ đã thể hiện trong ít nhất vài chục năm qua đối với cái được gọi là “nền tự do báo chí”.


Việc ngăn cản đối với cá nhân tôi chỉ là việc rất nhỏ, nhưng qua đó cho thấy sự ngăn trở và ràng buộc đối với toàn bộ hệ thống tư tưởng của con người, của các công dân trong xã hội. Điều đó thể hiện ở sân bay, khi cô Huyền Trang không đi được, đòi có một biên bản và phải có lệnh cấm xuất cảnh, nhưng không những người ta không cung cấp cho cô mà còn kẹp cổ cô lôi ra ngoài. 

Người ta dùng luật rừng! Hình ảnh ấy cho tôi cảm giác tái hiện lại không khí và hình ảnh mà các nhân viên an ninh không mặc sắc phục bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý tại tòa trong một phiên xử. Một hình ảnh gây chấn động đối với thế giới và rất hay là một ai đó đã chụp được bức ảnh ấy, bức ảnh xuyên thế kỷ cho thấy quyền tự do chính kiến, quyền tự do biểu đạt và quyền được lên tiếng của người dân vẫn còn nằm trong bóng tối mà chưa hề được đưa ra ánh sáng. Cho đến khi nào mà nhà nước VN chưa chủ động đưa điều đó ra ánh sáng thì họ vẫn còn kìm kẹp chính họ, họ còn cản trở chính họ trên con đường tiến tới ít nhất là một mục đích rất sát sườn, rất thiết thân như TPP.


TQT: để có thể nhanh chóng có một nền báo chí tự do, có một nền báo chí của dân để nói lên tiếng nói của nhân dân mà không bị bịt miệng, không bị làm cho ngu dân thì chúng ta phải làm những công việc gì trước mắt?


PCD: Có nhiều động lực, động thái có thể dẫn đến một nền báo chí độc lập, nhưng phải mất thời gian khá lâu, đặc biệt là ở VN với những đặc thù chính trị. Nhưng rất may cho VN là có một nhãn tiền, một tiền lệ rất gần gũi với VN về địa lý, đó là Miến Điện. Ở Miến Điện, cho đến năm 2011 chẳng ai hy vọng gì. Ngay cả khi ông Thein Sein được ông Than Shwe nâng đỡ và trở thành tổng thống dân sự đầu tiên của Miến Điện đọc diễn văn nhậm chức, cũng chẳng mấy ai hy vọng đến những chuyển biến ngoạn mục sau này. Sau đó bắt đầu từ việc phóng thích lãnh tụ những đảng đối lập Aung San Suu Kyi và bắt đầu với việc thả người giống như VN cũng đang bắt đầu thả người. Đến năm 2012 người ta mới bắt đầu chủ đề là phải có một nền báo chí tự do, và đầu tiên là hủy bỏ một sắc lệnh cấp tụ tập cấm biểu tình. Lúc đó dân chúng được thành lập hội, đi biểu tình thoải mái. Đến tháng 4 năm 2013 thì chính thức cho ra báo tư nhân ở Miến Điện – điều cực kỳ thú vị. Có những phóng viên bản địa ở Miến Điện khóc rưng rức khi nói chuyện với nhau và với phóng viên AFP, họ không thể tin nổi có một sự chuyển đổi kỳ diệu như thế từ một không gian bị bóp nghẹt, từ một không gian mà cuộc cách mạng áo cà sa bị đàn áp đẫm máu gần 10 năm trước đó. Toàn bộ hệ thống tư tưởng đều một chiều theo độc tài quân sự đã chuyển sang không gian mở để báo chí bắt đầu trở thành một công cụ của người dân chứ không chỉ là một công cụ của chế độ như trước đây.


Đó là bài học nhãn tiền cho VN, và tôi nghĩ rằng nó phụ thuộc đến 80% vào ý chí của giới lãnh đạo VN nếu họ nhìn nhận vấn đề Miến Điện là một bài học đáng giá cho họ và cũng là một lối thoát đối với họ. Họ nên mở ra một lối mở cho ít nhất là tự do báo chí. Vì khác với Miến Điện, ở VN đã có báo chí tư nhân rồi, mặc dù chỉ là báo chí tư nhân trá hình mà thôi nhưng dù sao hạ tầng cơ sở ở VN vẫn tốt hơn rất nhiều so với Miến Điện, cộng thêm chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo VN khá hơn rất nhiều so với các phóng viên ở Miến Điện. Đó là điều kiện rất cơ bản để nền báo chí VN phát triển được. Chỉ còn thiếu tự do tư tưởng nữa mà thôi. Nếu NNVN khắc phục chuyện đó và họ mở ra cái chuyện đó thì tôi tin là không chỉ kinh tế VN đi lên mà nền báo chí tự do cũng đi lên. Lúc đó sẽ không cần đặt ra vấn đề ý thức hệ hay định hướng, lề phải hay lề trái, lề Đảng hay lề dân nữa, mà tất cả sẽ cùng nhìn vào một hướng, đó là xây dựng một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự tốt đẹp.


Tất nhiên đó là một điều kiện lý tưởng, mình mong muốn như vậy nhưng trong thực tế có lẽ phải kéo dài một số năm nữa cho tới lúc mà nhà nước VN cảm thấy quá khó, quá khó về kinh tế, quá khó về nội tình chính trị và về đối ngoại, buộc họ phải có thay đổi. Nhưng thay đổi sẽ khá chậm chạp.


Trong thời gian đó thì xã hội dân sự làm gì ? Trong xã hội dân sự, nền báo chí độc lập chiếm vai trò trọng yếu, cực kỳ xung yếu, nếu không muốn nói là quyết định trong thời gian 3 năm vừa qua, vì nếu không có truyền thông xã hội thì không biết bao nhiêu người dân đã tiếp tục âm thầm bị bưng bít thông tin và người VN hải ngoại cũng chẳng biết gì nhiều hơn. Nhưng vì có truyền thông xã hội và có thông tin trong nước đưa ra, có thông tin ngoài nước đưa vào nên mọi người có thể mở mắt và mở lòng được. Cuối cùng chỉ còn là tỷ lệ người vượt tường lửa sẽ tăng dần lên, lúc đó nền báo chí độc lập cũng như xã hội dân sự sẽ phát triển.


Tôi cho rằng không cần phải chờ sự thành tâm của nhà nước và của Đảng, mà xã hội dân sự phải chủ động để xây dựng một hệ thống báo chí độc lập. Hội thảo cũng như những vận động về báo chí độc lập ở VN diễn ra tại các cơ quan thông tấn cũng như là các địa điểm ở nước ngoài nên bàn về các mạng lưới dân sự độc lập, cũng như truyền thông quốc tế như tổ chức CPJ hay là Tổ chức phóng viên không biên giới nên có những động thái cụ thể hơn để hỗ trợ cho truyền thông VN trong thời gian tới bằng cách là đào tạo những nhà báo độc lập. Hiện nay vấn đề báo chí độc lập ở VN khủng hoảng về chuyên môn nghiệp vụ, cụ thể hơn là khủng hoảng về khả năng viết, rất thiếu, rất hiếm người viết và viết được đúng yêu cầu.


Đó chính là yêu cầu của nền báo chí độc lập VN trong thời gian tới. Ứng với tình hình và điều kiện trong tương lai mới thì phải có những con người mới, những cây viết sáng tạo. Tôi còn hy vọng đến lúc nào đó sẽ có những tờ báo chuyên nghiệp như là Le Monde của Pháp hay mang phong cách của những tờ báo Mỹ chuyên nghiệp như Washington Post, lúc ấy mới có thể đánh giá được sự thăng tiến của nền báo chí độc lập là như thế nào.


TQT: Xin cám ơn nhà báo Phạm Chí Dũng.


0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More