Khủng hoảng tại Ukraine

Biểu tình tại thủ đô Kiev, Ukraina hôm 19/02/2014.
Vũ Hoàng - Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA 

Ngoài các nguyên nhân thuộc về địa dư chiến lược của một quốc gia nằm giữa hai khu vực Đông-Tây của Âu Châu, yếu tố kinh tế có góp phần dẫn tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine và còn giải thích nhiều khó khăn sắp tới của người dân sau ba tháng đầy biến động vừa qua. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về hồ sơ kinh tế đó với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa qua cuộc trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Một hồ sơ phức tạp



Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Sau đúng ba tháng biến động khiến gần 90 người bị thiệt mạng trong các cuộc biểu tình đổ máu, Ukraine đã vừa qua khúc quanh khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị truất phế và truy nã trong khi Quốc hội xứ này cố xây dựng hệ
thống lãnh đạo mới cho tương lai. Hôm Thứ Hai 24, các giới chức vừa được trao nhiệm vụ lâm thời cho giai đoạn chuyển tiếp lập tức nói đến nhu cầu 35 tỷ Mỹ kim để tránh cho xứ sở một vụ khủng hoảng kinh tế nữa. Thưa ông, 35 tỷ đô la là tương đương với 20% Tổng sản lượng của Ukraine, tức là một con số không nhỏ. Vì sao lại có chuyện đó, và yếu tố kinh tế có là một phần của lý do khủng hoảng tại Ukraine hay chăng?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta mở ra một hồ sơ thuộc loại phức tạp nhất thế giới, và ngoài các bài toán nan giải thuộc về địa dư, lịch sử và chính trị, thì kinh tế có góp phần quyết định về sự thịnh suy của Ukraine sau cuộc cách mạng vừa qua.


Vũ Hoàng: Trước hết, xin ông trình bày cho khán thính giả về bối cảnh của hồ sơ Ukraine.


Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ukraine có số phận hẩm hiu từ tên nước, nguyên ngữ là "biên vực", vì lãnh thổ là biên địa của các Đế quốc lớn ở chung quanh, với người dân đang xây dựng ý thức dân tộc thì bị giằng xé giữa hai sức hút ở hai ngả Đông và Tây.

Có diện tích gấp hai Việt Nam với dân số chỉ bằng phân nửa và lợi tức cao gấp đôi, Ukraine thật ra là quốc gia giàu tài nguyên và có trình độ dân trí cao. Khi bị Liên Xô thôn tính sau Thế chiến I, xứ này trở thành Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraina của Liên bang Xô viết và đã hứng chịu mọi tai họa bi thảm trong gần 30 năm, như bị Stalin bỏ đói rồi bị Hitler tàn sát. Từ sau Thế chiến II, Ukraine mới là nước Cộng hoà giàu thứ nhì của Liên Xô, với nông nghiệp và công nghiệp thuộc hàng tiên tiến, theo tiêu chuẩn cộng sản. Hai lãnh tụ Liên Xô là Nikita Kruschev và Leonid Brezhnev đều xuất thân hay tốt nghiệp từ Ukraine. Tuy nhiên, 70 năm dưới chế độ cộng sản cũng di hại về tư tưởng và môi sinh cho một vùng đất trù phú. Đến nay nét tiêu cực đó vẫn còn, nhất là ở khu vực tiếp giáp với nước Nga, tại miền Đông.
Khi Liên Xô bắt đầu tan rã thì dân Ukraine tuyên bố độc lập, vào Tháng Tám năm 1991. Sau đó kinh tế bị khủng hoảng mất 10 năm để ra khỏi chế độ tập trung quản lý, mức sống sụt phân nửa và dân số sút giảm vì môi sinh bị hủy hoại. Mãi đến năm 2000 thì kinh tế Ukraine mới ổn định và tăng trưởng khả quan là 7% một năm. Nhưng chỉ được tám năm là bị hiệu ứng khủng hoảng toàn cầu năm 2008 nên lại suy sụp mất hơn 15% với thất nghiệp tăng vọt hơn 9%.
Qua năm 2010, tình hình đã khá hơn, với đà tăng trưởng là hơn 4%, thì khủng hoảng chính trị lại xuất hiện và Ukraine không thể cải cách cơ chế kinh tế nên bị nguy cơ vỡ nợ cuối năm ngoái. Chính là nguy cơ ấy mới dẫn tới biến động từ ngày 21 Tháng 11 vừa qua cho đến tuần này.

Vũ Hoàng: Nếu có thể tóm lược thì hai chục năm qua Ukraine chỉ có bảy năm tốt đẹp. Nhưng thưa ông vì sao lại có chuyện Ukraine không thể cải cách cơ chế kinh tế nên bị nguy cơ vỡ nợ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng đấy mới là bài học kinh tế đáng chú ý nhất khi ta nói về trường hợp của Ukraine.

              Phe biểu tình chống chính phủ trên một chiếc xe quân đội ở Kiev, Ukraine hôm 22/02/2014.

Sau khi giành lại độc lập, Ukraine có cải cách về hình thức trên nền tảng vẫn xã hội chủ nghĩa. Việc tư nhân hóa hệ thống doanh nghiệp nhà nước chỉ là xẻ thịt các cơ sở quốc doanh và tạo cơ hội làm giàu cho một số tài phiệt tham nhũng. Họ cấu kết với hệ thống chính trị để bảo vệ đặc lợi và duy trì sự lệ thuộc vào kinh tế Nga vì đã từng hội nhập vào kinh tế Xô viết. Đấy là hiện tượng chung của các nước chuyển hướng theo kinh tế thị trường mà không cải tổ chính trị cho dân chủ, Trung Quốc hay Việt Nam cũng có tệ nạn đó.
Vì nạn gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004 mà cuộc Cách mạng màu Da Cam bùng nổ. Nhờ đó, Ukraine có một Hiến pháp và chính quyền tương đối dân chủ hơn mà chưa cải thiện kinh tế và diệt trừ nạn tham nhũng nên có gây bất mãn cho dân chúng. Trong bối cảnh chính trị bất lợi đó, có hai biến cố xảy ra. Thứ nhất là hậu quả của Tổng suy trầm năm 2008 và thứ hai là vì cuộc Cách mạng Da Cam và xu hướng thân Âu Châu của chính quyền mới mà đầu năm 2009, Nga gây sức ép về giá khí đốt do Nga bán cho Ukraine và qua lãnh thổ Ukraine cho các nước Âu Châu. Bên trong, hai lãnh tụ Cách mạng Da Cam lên làm Tổng thống là ông Viktor Yuschenko và Thủ tướng là bà Yulia Timoshenko lại bất hòa và không chấn chỉnh nổi hệ thống quản lý vĩ mô nên khủng hoảng kinh tế lên tới cao điểm năm 2009 rồi mới giảm.

Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì qua năm 2010, Ukraine còn bị một vụ khủng hoảng chính trị với hậu quả là những khó khăn kinh tế kéo dài cho đến năm ngoái. Câu chuyện rắc rối này là như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì sự phân hoá giữa Tổng thống Yuschenko và Thủ tướng Timoshenko mà ông Viktor Yanukovich, nhân vật thân Nga đã thất cử năm 2004, lại thắng và lên làm Tổng thống từ cuộc bầu cử năm 2010. Khi lên cầm quyền sau một cuộc bầu cử tương đối trong sạch, ông Yanukovich lại có ý thâu tóm quyền lực, sửa lại Hiến pháp 2004, mà không nhân đà phục hồi kinh tế để cải tổ cơ chế vì ỷ vào hậu thuẫn của các tài phiệt và vây cánh được ban phát quyền lợi. Khủng hoảng chính trị xuất phát từ đó và triệt tiêu luôn thành quả kinh tế của hai năm 2010 và 2011. Qua năm 2013 thì kinh tế lại lụn bại. Đấy là bối cảnh của ba tháng biến động vừa qua.
Khi đó, ta nhớ là mỗi khi Ukraine gặp khó khăn kinh tế, như trong các năm 1998, 2008, 2010 hay 2013, thì Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đều có dự án yểm trợ tài chính để giải quyết yêu cầu về chi thu, với điều kiện là phải cải cách cơ chế kinh tế. Mà ngần ấy dự án viện trợ đều bị gián đoạn vì các chính quyền nối tiếp tại Ukraine đều không tuân thủ điều kiện của IMF.
Với lãnh đạo Ukraine thì IMF đòi họ làm một cuộc giải phẫu đau đớn mà không có thuốc mê, trong khi Liên bang Nga lại viện trợ cho họ như người cung cấp nha phiến. Sự chọn lựa sau cùng thuộc về người dân Ukraine.

 

Thuốc bổ và thuốc độc


Vũ Hoàng: Ông vừa nêu một nhận xét thấm thía. Thế thì bên dưới những thống kê và tính toán của tầng lớp lãnh đạo, quần chúng Ukraine nghĩ sao về thuốc bổ và thuốc độc, và họ muốn gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin nêu vài chi tiết sau đây để chúng ta suy luận về ý dân.
Ta biết Ukraine là biên địa Đông-Tây của Âu Châu. Phía Tây từng là lãnh thổ của các Đế quốc Ba Lan hay Hung Áo và người dân tự nghĩ mình thuộc về Âu Châu, trong khi các tỉnh phía Đông, và phía Nam nếu kể cả Odessa và bán đảo Crimea được ông Krushchev trả cho Ukraine từ năm 1954, thì thiên về nước Nga, đa số người dân nơi đây nói tiếng Nga. Sự giằng xé ấy đã có từ cả trăm năm và các tỉnh phía Tây, nhất là Lviv ở sát Ba Lan, là cái nôi của chủ nghĩa dân tộc Ukraine, theo tinh thần đề cao ngôn ngữ và nghệ thuật Ukraine, và biệt lập với nước Nga. Khi Liên Xô tan rã năm 1991 thì cuộc vận động cho độc lập của Ukraine xuất phát tại đây.
Nhưng từ khi trở thành nước Cộng hoà Xô viết năm 1922, miền Đông của Ukraine mới là nơi giàu có vì tập trung hệ thống công nghiệp Xô viết. Cho đến ngày nay, tình trạng đó vẫn còn, với kết quả là lợi tức bình quân của người dân ở tỉnh công nghiệp hóa nhất miền Đông lại cao gấp đôi lợi tức người dân ở Lviv là tỉnh kỹ nghệ nhất miền Tây. Cũng vậy, đa số đại doanh nghiệp có tầm cỡ của Ukraine đều ở tại miền Đông, trong khi các doanh nghiệp loại trung bình và nhỏ thì phá sản dần từ mấy năm qua và tầng lớp gọi là "trung lưu" bị thiệt hại nhất là ở miền Tây.
Nói vắn tắt thì dân miền Tây lại nghèo hơn dân miền Đông. Nhưng họ nghèo mà không hèn vì từ 20 năm nay vẫn đấu tranh để ra khỏi quỹ đạo của Nga, trở thành một quốc gia độc lập trong hệ thống chính trị dân chủ của Âu Châu. Trong khi ấy, ta không quên rằng cơ quan IMF, hay các nước Tây phương, lại đặt ra những điều kiện cải cách khắt khe về kinh tế lẫn chính trị như đòi giải phẫu mà chẳng có thuốc mê.
Ngược lại, cần nói thêm cho công bằng, là dân miền Đông nói chung cũng chẳng muốn xé đôi xứ sở để thành một tỉnh của Nga. Đám tài phiệt và các đại gia ở trên cùng, tại thủ đô Kiev và các tỉnh miền Đông, có thể muốn trục lợi cho mình nhờ làm ăn với tài phiệt Nga chứ họ chẳng thể chủ trương sát nhập vào Liên bang Nga vì sẽ lập tức bị phản đối.

Vũ Hoàng: Khi ấy ta mới trở lại biến động ngày nay vì nó khởi đi từ một quyết định của ông Yanukovich vừa bị truất phế. Phải chăng biến động bùng nổ cũng vì sự chọn lựa Đông Tây đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi lại xin nhắc về bối cảnh quốc tế của vụ này dù là nó khá rắc rối.
Là một nạn nhân chết kẹt giữa Nga và Đức, Ba Lan rất thông cảm với hoàn cảnh Ukraine nên từ năm 2009 đã đề nghị Liên hiệp Âu châu mở ra kế hoạch gọi là "Kết ước Miền Đông" để lôi kéo các nước Đông Âu và Trung Âu về phía Âu Châu, trong đó dĩ nhiên là có Ukraine. Các nước Âu Châu tiến hành kế hoạch đó và thương thảo Hiệp định Hợp tác Ngoại thương với Ukraine. Năm ngoái, Quốc hội Ukraine cũng bỏ phiếu ủng hộ việc thương thuyết này.

      Đụng độ giữa đoàn biểu tình với cảnh sát tại thủ đô Kiev của Ukraina hôm 20/02/2014, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng.

Phía bên kia, Tổng thống Vladimir Putin của Nga thì có kế hoạch khác. Là thiết lập Liên minh Quan thuế Âu Á làm lực đối trọng với Liên hiệp Âu châu. Do Nga lãnh đạo, Liên minh này gồm các nước Đông Âu trong quỹ đạo Xô viết cũ qua tới Trung Á và Viễn Đông, kể cả Trung Quốc và Việt Nam, với tiêu chí hình thành là vào năm 2015. Trong một chương trình hồi Tháng Chín năm 2012, chúng ta đã đề cập tới chuyện này.
Cơ sự bùng nổ hồi Tháng 11 năm ngoái, khi Tổng thống Viktor Yanukovich đơn phương từ chối ký kết Hiệp định Ngoại thương đã bàn thảo và chuẩn bị ký kết vào ngày 21 tháng đó tại Vilnius. Vào lúc cùng quẫn đó, Liên bang Nga lại hứa viện trợ cho Ukraine 15 tỷ đô la. Vì vậy, sinh viên đã trước tiên biểu tình phản đối rồi các lãnh tụ đối lập đều tham gia với sự ủng hộ của các nước Âu Châu và cả Hoa Kỳ.
Nhưng từ thủ đô Kiev cuộc biểu tình đã lan rộng qua năm sáu tỉnh khác vì người dân không chỉ phản đối sự chọn lựa của Yanukovich mà còn bất mãn về nạn tham ô, chuyên quyền và về tình hình kinh tế. Khi Chính quyền Yanukovich ra lệnh đàn áp và có máu đổ trong tiếng súng nổ thì biểu tình bạo động đã biến thành cách mạng. Quốc hội Ukraine nhân danh Hiến pháp 2004 và còn đi xa hơn bản Hiếp pháp để truất phế và truy nã Tổng thống, với lá phiếu ủng hộ của đảng cầm quyền của chính ông Yanukovich.

Vũ Hoàng: Thưa ông, kết quả là chính quyền lâm thời đang đối diện với nguy cơ khủng hoảng kinh tế và cần 35 tỷ đô la để giải quyết những yêu cầu tài chính cấp bách nhất vì dự trữ ngoại tệ của Ukraine bị hao hụt và xứ này có thể vỡ nợ. Rồi đây thì tình hình sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng các nước trong cuộc, từ Liên bang Nga đến Âu châu đều muốn tránh một cuộc khủng hoảng, nội chiến và xung đột ngay giữa Âu Châu. Âu Châu cũng khôn ra mà không đòi Ukraine phải làm một cuộc giải phẫu, dù là có thuốc mê cho đỡ đau. Người ta cần ổn định thị trường và trấn an dân chúng trong khi lãnh đạo Ukraine phải làm một cuộc cách mạng thật về chính trị để có một chế độ dân chủ và lành mạnh hơn.
Không mấy ai lạc quan về tình hình Ukraine trong những ngày tháng tới, riêng tôi thì có khi lại nói ngược. Tôi chú ý đến một hiện tượng không có trong các biến động từ 1991 đến nay, đó là sự hình thành của xã hội dân sự. Khi chính quyền nhiều nơi tan rã, không còn công an hay cảnh sát và cả lãnh đạo địa phương, người dân tự động đứng ra lo việc cứu thương, chữa cháy, bảo vệ trật tự, tính mạng và tài sản của cả khu phố. Khi nói đến viện trợ và cải cách kinh tế, có lẽ nên chú ý đến việc xây dựng xã hội dân sự từ dưới lên. Chính quyền tương lai của Ukraine sẽ từ đấy mà ra.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More