Nhật Tàu tiếp tục đấu trí trên Biển Hoa Đông

Ngô Quảng
Vào thượng tuần tháng 9/2012, phong trào bài Nhật ở Hoa lục bộc phát mạnh trước việc chính quyền Tokyo muốn quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư (Senkaku). Bắc Kinh bảo việc đó bất hợp pháp và khẳng định đó là khu vực "hạch tâm quyền lợi" (lợi ích cốt lõi) của Trung quốc, dù luận điệu đó chỉ mới nổi lên vài năm nay.

Để gia tăng áp lực với Tokyo, Bắc Kinh đã làm ngơ cho người dân của họ xuống đường bài Nhật. Lúc đầu những cuộc biểu tình này diễn ra trong tầm kiểm soát của công an, nhưng chỉ qua vài ngày sau, các cuộc biểu tình khác đã lan rộng khắp 108 tỉnh thành và các đô thị lớn. Không một cuộc biểu tình nào dưới 1 vạn người và vượt khỏi sự lượng định của nhà cầm quyền.
Những người biểư tình kéo đến bao vây Đại sứ quán, tòa Tổng lãnh sự Nhật. Tại một số nơi đám đông xông vào đập phá và hôi của tại nhiều cơ sở làm ăn của người Nhật ở Hoa lục với sự làm ngơ của công an. Như đổ dầu thêm vào lửa, Cục Hải dương Trung quốc còn tuyên bố trên báo đài rằng kể từ ngày 17/09/2012, lệnh cấm đánh cá ở vùng biển Điếu Ngư / Senkaku đã mãn hạn, nên họ sẽ cho trên 1000 tàu đánh cá Trung quốc kéo đến vùng biển này "hành nghề". Nói cách khác, Bắc Kinh dùng cùng thủ thuật như đối với Biển Đông của Việt Nam. Nay họ xem như đương nhiên vùng biển quanh Điếu Ngư là sân nhà của Trung Quốc và Bắc Kinh có toàn quyền muốn làm gì thì làm.

Với sự việc gần 9000 tàu đánh cá Trung quốc đồng loạt kéo đến vùng biển Đông, đặc biệt xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa của Việt Nam, vào trưa ngày 01/08/2012 để giăng câu, thả lưới một cách ngang nhiên và thách thức, theo lịnh của Bắc Kinh, giới lãnh đạo Hà Nội chỉ dám phản đối yếu ớt chiếu lệ.

Nhưng thái độ của của Tokyo thì khác hẳn. Chính phủ Nhật chính thức ra thông báo: bất cứ tàu bè nào của Trung quốc được cảnh cáo là đang xâm phạm lãnh hải của Nhật mà không lùi ra, sẽ bị lực lượng tuần duyên sử dụng "biện pháp mạnh". Ai muốn hiểu nghĩa chữ "biện pháp mạnh" này là gì, tùy ý. Nhưng ngay sau thông báo đó, người ta thấy lực lượng tuần duyên Nhật được tăng cường canh giữ xung quanh vùng quần đảo Senkaku. Và ngay phía sau là các tàu chiến hải quân và phi cơ của lực lượng Tự vệ đội Nhật được điều động đến vùng biển đảo này để sẵn sàng tiếp chiến với lực lượng tuần duyên.

Đúng vào lúc không khí đối đầu căng thẳng, quân đội Nhật Bản chuẩn bị đối phó với 1000 tàu đánh cá, thật và trá hình, của Trung quốc, thì có chuyến công du Tokyo của ông Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, để hội đàm với các quan chức quốc phòng cao cấp của Nhật. Mặc dù vào lúc này, Hoa Kỳ còn giữ lập trường trung lập trên bề mặt, trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Nhật và Trung quốc, nhưng Senkaku sẽ được Hoa Kỳ bảo vệ theo tinh thần Hiệp ước Bảo an Mỹ-Nhật. Và ai cũng biết chính sách "canh chừng" của Hoa Kỳ đối với chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh trong suốt thập niên qua. Chính vì lẽ đó mà vào hôm 17 tháng 9 vừa qua, tại Tokyo, ông Leon Panetta cho biết đã chỉ thị cho quân đội Mỹ trú đóng ở Nhật phải liên lạc thường xuyên với lực lượng tuần duyên Nhật nhằm đối phó với mọi bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ còn cho biết thêm là Mỹ vừa mới trang bị thêm một dàn radar X Band trên tàu chiến của họ ở Nhật để chống tên lửa.

Tưởng cần nhắc lại, Nhật đã hợp tác với Mỹ để trang bị hệ thống chống hỏa tiễn Aegis đặt trên tàu chiến,

và hệ thống chống hỏa tiễn Patriot đặt trên đất liền trong nhiều năm qua với mục tiêu phòng thủ các hỏa tiễn bắn cầu vồng từ Bắc Hàn.

Các hệ thống này nay được chuẩn bị đối phó với các đe dọa từ Trung Quốc.

Nếu 1000 tàu đánh cá Trung quốc xuất phát từ cảng Thạch Phố vào ngày 18/09 theo như những gì báo đài ở Hoa lục đã loan tải thì chỉ một ngày sau, đoàn tàu này sẽ có mặt ở vùng quần đảo Senkaku. Nhưng ngày 19 rồi ngày 20/09 và những ngày kế tiếp trôi qua, không thấy bóng dáng một tàu đánh cá nào của Trung quốc bén mảng đến khu vực này. Hiện diện duy nhất là 5 chiếc tàu Ngư chính của Trung quốc lảng vảng ở hải phận quốc tế quanh đảo Senkaku gọi là "để bảo vệ cho 1000 tàu cá sẽ kéo đến".

Theo giới nhận định tình hình thì rõ ràng Bắc Kinh đã rút lui trước thái độ cứng rắn của Tokyo. Người ta cũng thấy sự rút lui đó khi Bắc Kinh đụng phải thái độ cứng rắn của Moscow. Hải quân Nga được lệnh bắn chìm ngay chiếc tàu đánh cá đầu tiên của Trung Quốc từ chối rời khỏi khu vực. 

Thế mới biết thái độ cứng rắn là chià khóa trong chính sách đối phó với nạn dịch bành trướng Bắc Kinh. Trước sự đồng lòng của chính phủ và người dân Nhật trong quyết tâm bảo vệ đến cùng sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, cộng thêm với sự hiệp tác bảo an của Hoa Kỳ, rõ ràng Bắc Kinh đã phải gờm không dám động thủ. Và thế giới ngày nay cũng biết rõ, Bắc Kinh KHÔNG DÁM để chiến tranh xảy ra trong tình trạng kinh tế xuống dốc, chính trị bất ổn trước thời điểm chia ghế, và xã hội đầy rẫy những thùng thuốc nổ hiện nay. Hầu hết các nhà phân tích đều tin rằng Bắc Kinh đang đánh "đòn hù" để chuyển hướng sự chú ý của dân chúng Trung Quốc là chính.

Chỉ riêng tại Việt Nam, các "đòn hù" dù lớn hay nhỏ của Bắc Kinh đều dẫn đến các nhượng bộ mới của giới lãnh đạo Hà Nội. Các báo đài chính thức của Đảng, Nhà Nước CSVN lần lượt ra báo tiếng tàu, như báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân, v.v... Các tướng tá quân đội Việt Nam đồng loạt quỳ lạy công ơn đào tạo của Bắc Kinh. Các khu vực biệt riêng cho người Hoa tiếp tục mọc lên khắp nơi trên đất Việt. Và quan trọng nhất, các bản án tù đày cực kỳ nặng nề tiếp tục được Hà Nội giáng xuống những người Việt yêu nước để làm vui lòng quan thầy Bắc Kinh.

Ngày nay, khó có thể chối cãi một sự thật, đó là giới lãnh đạo đảng CSVN chính là vật cản dân tộc Việt Nam bảo vệ chủ quyền đất nước!   

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More