Ngọn Đông Phong

... Hiện lên từ biển
Mặt trời hồng tươi ...
Minh Văn

Tác giả gửi đến DienDanCTM

- Tổ cha đứa nào hái trộm bưởi của bà! Quân ăn cướp chứ không phải là người nhé. Bà mà bắt được bà thì xé xác chúng mày ra!...

Tiếng chửi của bà Kiên cất lên gay gắt, dồn dập. Hôm nay cây bưởi trước cổng bị bọn trẻ con nghịch ngợm mà hái trộm mấy quả. Vì những quả này ở phía ngoài, dấu bẻ cành hãy còn, vì vậy mà bà Kiên biết được. Ở cái làng này người ta nghe tiếng chửi của bà đã quen, nên cũng chẳng ai chú ý. Ít khi ai dám đối đầu với bà, vì bà là người điêu ngoa nhất làng mà, cho đến bây giờ thì kể vẫn chưa có đối thủ nào xứng mặt và xứng tầm.

Vì bà chửi nhiều đến nỗi thuần thục thành những điệp khúc có vần có điệu. Khi vắng tiếng chửi của bà thì người ta lại nhớ, như thấy thiếu thiếu một cái gì đó...; mặc dù bà nổi đóa mà cố sức chửi bới, gào thét nhưng vẫn không thấy ai đến nhận là thủ phạm cả. Có lẽ mấy trái bưởi của bà giờ này đang làm trái bóng cho một trận cầu nảy lửa của lũ trẻ ở một góc nào đó.

Chính vì hung dữ như vậy mà cụ ông cũng là nạn nhân của bà. Ông Kiên mặc dù là chồng nhưng cũng chỉ đóng vai trò là nhân vật thứ hai trong gia đình, còn bà mới là số một. Hai ông bà chỉ có mỗi cô con gái lấy chồng xa, thi thoảng mới về thăm bố mẹ, còn ngày thường thì hai ông bà ở với nhau. Lẽ ra như vậy thì vợ chồng già phải thương yêu và đùm bọc lấy nhau, nhưng giữa hai ông bà lại thường xẩy ra chiến tranh. Đó là những cuộc vùng lên khởi nghĩa của ông để chống lại ách áp bức quá đáng do bà áp đặt. Có áp bức thì có đấu tranh, âu đó cũng là quy luật và lẽ thường của cuộc đời này. Vì vậy mà người ta thường xuyên nghe tiếng chửi bới, rồi tiếng đập phá loảng xoảng trong nhà ông bà. Ở đây thì điều đó đã trở thành thông lệ, mỗi khi có cuộc chiến giữa hai ông bà thì người ta lại chép miệng bảo nhau:
- Vợ chồng ông Kiên lại lên đồng đấy!...

Ông Kiên trước đây là một cán bộ bên ngành lương thực của nhà nước. Ông đi làm xa, vì vợ chồng bất hòa nên ông ở lại cơ quan luôn, thi thoảng mới về thăm nhà. Ở cơ quan thì ông là người bộc trực, vì thế mà trở thành cái gai trong mắt những kẻ có chức quyền. Ông thường xuyên tố cáo những hành vi tham nhũng và việc làm sai trái của ban lãnh đạo. Đám quan tham này hận ông lắm, vì thế bàn với nhau kiểu gì cũng phải bứng ông đi chỗ khác hoặc tìm cách mà kỷ luật ông.

Và rồi cơ hội hất cẳng ông Kiên cũng đến. Ấy là lần ông viết đơn lên cấp trên, tố cáo tay trưởng phòng và bộ sậu của hắn ta lợi dụng chức quyền để ăn bớt tiền xây dựng trụ sở cơ quan. Nhận được đơn tố cáo của ông, cấp trên cử đoàn thanh tra về để xem xét. Nào ngờ đám thanh tra này lại cùng phe cánh với tay trưởng phòng, vì vậy mà họ bao che cho nhau. Ban thanh tra kết luận không có việc ban lãnh đạo lạm dụng chức vụ để tham nhũng, vì thế mà đương nhiên ông Kiên trở thành kẻ vu khống và nói xấu lãnh đạo.

Một cuộc họp cơ quan được triệu tập khẩn cấp, mà nội dung là để kỷ luật ông. Nhân dịp này, đám tay chân thân tín của tay trưởng phòng đấu tố cho ông đến nổi không còn mảnh giáp. Sau những lời chỉ trích và lên án gay gắt mà ban lãnh đạo chụp mũ, thì ông phải gánh chịu mấy tội danh sau: Làm mất đoàn kết nội bộ cơ quan, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, vu khống lãnh đạo...và nhiều nhiều tội nữa mà ông không thể nhớ hết. Kết quả là ông phải gánh một mức án kỷ luật nặng nhất: Kỷ luật đảng và cho thôi việc (mà thời đó thường gọi một cách ví von và lịch sự là nghỉ mất sức, nghỉ hưu non).

Và rồi cứ thế ông khăn gói về quê, không một chút luyến tiếc nào, biết làm sao được – thời buổi như thế mà. Điều ông phải dụng tâm nhiều nhất là hằng ngày phải đối mặt với bà vợ dữ dằn vốn bất hoà bấy lâu nay. Và quả là như thế thực, cuộc chiến giữa hai ông bà không lúc nào ngớt như một món nợ truyền kiếp vậy. Nhưng cũng từ đó mà ông trở nên nghiện rượu, đi đâu người ta cũng thấy ông cầm theo cái chai để mua rượu.
o0o
- Hê hê hê...
Lũ trẻ con trong xóm vừa reo hò vừa chạy theo chú Phước tiên tri để nghe đọc những lời sấm truyền bí ẩn. Chúng chẳng hiểu gì những câu sấm, nhưng nghe chú đọc hay như đọc thơ nên thích lắm. Chú Phước với dáng vẻ thất thểu, một bên ống quần thì xắn lên tận đầu gối, ống quần bên kia thì rách tả tơi, vừa đi vừa đọc to những lời mà người ta vẫn gọi là sấm truyền:

“Gió đông xuất hiện
Vàng xanh rợp trời
Sắc Đỏ hết thời
Lùi vào bóng tối
Hiện lên từ biển
Mặt trời hồng tươi
Hết thảy mọi người
Nhà nhà hạnh phúc...”

Tiếng sấm truyền vang lên đều đều như lời của một thầy phù thủy cao tay đang phù phép vậy. Chú Phước đi đến đâu thì lũ trẻ chạy theo đến đấy, đoàn người cứ thế rồng rắn nhau đi khắp xóm làng. Sau mỗi lời sấm thì lũ trẻ con lại reo lên: “Hê hê hê...” để phụ hoạ. Cảnh tượng thật là náo động.

Chú Phước là hàng xóm với ông Kiên. Trước đây chú cũng là người bình thường, nhưng bây giờ chú có vấn đề về tâm thần. Cái bệnh này mới phát mấy tháng nay, từ đó mỗi lần lên cơn thì chú lại đi khắp xóm và luôn mồm đọc những câu thơ như trên. Người trong xóm vì thế mà gọi chú Phước là nhà tiên tri. Những lời tiên tri mà chú đọc thì nhiều, người ta không nhớ hết, nhưng từ mà chú hay nhắc đến nhất là “Gió Đông” (Đông Phong).

Trước đây chú là người buôn bán làm ăn xa, nghe đâu trong thời gian bôn ba này chú được một ông thầy người Tàu dạy võ cho. Vì thế mà chú Phước trở thành một môn đệ võ Tàu xuất sắc. Đến khi giải nghệ buôn bán, chú về nhà với vợ và mở ngôi quán nhỏ để bán hàng. Thời gian rảnh rổi thì chú mở lớp dạy võ cho lũ trẻ con. Rồi cách nay ba năm, chính quyền cho người đến cưỡng chế khu đất ruộng của chú và mấy người làng nữa. Khu đất này nhà nước quy hoạch để xây chợ. Vì họ đền bù với giá không đúng quy định nên chú và mấy nhà nữa phản đối mà không chịu giao đất. Đến thời hạn, chính quyền cho công an và dân phòng đến cưỡng chế. Chú Phước đứng chống tay trước đám ruộng, có mấy người làng nữa đứng hộ vệ mà ngăn không cho công an xông vào. Đám công an lệnh cho mấy tay dân phòng nhất cầm gậy nhất loạt xông vào hành hung. Nhưng với ngón võ điêu luyện của mình mà chú Phước đã cho đám dân phòng đo ván ngay tức thì, kẻ thì chảy máu mũi, đứa thì trẹo chân tay. Vài tay công an trẻ cũng tức khí cũng xông vào, lại bị chú lia cho vài cước đã nằm rạp như chuối đổ. Vì thế mà vụ cưỡng chế bất thành, buộc phải giải tán.

Nhưng đó chỉ là thắng lợi bước đầu của chú Phước và những người dân thấp cổ bé họng. Ngày hôm sau thì công an huyện về, lần này có cả một xe đầy những công an được trang bị tận răng. Ban đầu đám công an dùng loa thông báo và dẹp trật tự, sau đó với những tấm khiên bằng kính chống đạn và dùi cui diện trong tay cùng dàn hàng tiến lên. Người lãnh tụ nông dân (Chú Phước) và những người dân bảo vệ mảnh đất của mình lùi dần, lùi dần và cuối cùng bị khuất phục sau một cuộc hỗn chiến không cân sức.

Chú Phước bị bắt và còng tay giải về công an huyện. Tại đây chú bị kết tội “chống người thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng” và “gây rối trật tự công cộng”. Rồi toà án xét xử và tuyên phạt chú mấy năm tù. Ở trong nhà giam, chú bị đám công an đóng giả côn đồ đánh đập để trả thù, vì bị đánh nhiều vào đầu mà chú bị ảnh hưởng tâm thần nặng như vậy.

Ngày thường thì chú Phước cũng tỉnh táo, chỉ khi nào thời tiết thay đổi thì chú mới phát bệnh. Vì thế mà chú hiểu nội tình hoàn cảnh gia đình ông Kiên. Người được chú dành thiện cảm ủng hộ là ông Kiên, còn bà thì được chú ví như gian thần Tào Tháo vì luôn ức hiếp ông. Còn đám cán bộ xã thì khỏi phải nói, ngán chú đến tận cổ vì cứ gặp tay nào ra dáng cán bộ là chú lại chửi tục và chạy theo ném đá. Vì thế mà chú trở thành khắc tinh của đám cán bộ, hễ cứ gặp chú là phải đi vòng tránh đường khác vì sợ bị mất mặt và ném đá.

o0o

- Cái đồ bị đuổi việc, ông cút ra khỏi cái nhà này ngay...
Tiếng bà Kiên hét lên giận giữ, liền sau đó là tiếng ông:
- Ông đập nát cái nhà này cho mà coi, thì cút này, cút này...
Liền sau đó là tiếng loảng xoảng đổ vỡ, tiếng búa đập chan chát vào cửa. Lại tiếng bà Kiên:
- Ối giời đất ơi, ông Kiên ông ấy phá nhà tôi!...
Lần này thì có vẻ ông Kiên thắng thế, tiếng ông át cả tiếng bà:
- Ông đốt nhà, ông thì đốt nhà cho mà xem!..
Thằng bé Giang trạc hơn mười tuổi, nhà ở gần đó, nghe ông Kiên nói như vậy liền ba chân bốn cẳng chạy sang nhà ông. Vừa hổn hển thở nó vừa hỏi:
- Ông Kiên ơi, khi nào thì ông đốt nhà?
Nó tưởng ông Kiên đốt nhà thật, và tưởng tượng ra cảnh lửa cháy bùng bùng như trong những cuốn phim màu truyện chiến đấu của Liên Xô mà nó được xem. Bởi vậy mà nó thích lắm và mong cho ông đốt nhà để xem. Ông Kiên đang nổi khùng cũng phải phì cười trả lời nó:
- Mai ông đốt, khi nào ông đốt thì sang mà xem...
Thằng Giang nghe ông nói vậy thì yên tâm, trước khi ra về nó còn ngoảnh lại dặn ông:
- Mai ông nhớ đốt nhà đấy nhé!
Vì tức cười với sự ngây thơ của trẻ con mà ông Kiên dừng cuộc chiến, tiếng đập phá và la hét cũng ngưng bặt.
 Lúc này từ trong nhà, chú Phước nhìn qua cửa sổ vừa vỗ tay vừa đọc:

“Muốn thắng Tào Công
Phải dùng hoả công
Muôn việc đều đủ
Chỉ thiếu gió Đông”.

Rồi chú lại vỗ tay: Hê hê hê...để mà phụ hoạ. Thì ra chú cũng ủng hộ ông Kiên đốt nhà để cho bà vợ dữ tợn biết mặt.

o0o

Tin ông Kiên sẽ đốt nhà lan đi rất nhanh và truyền đến tận uỷ ban xã. Vì vậy mà hôm nay cán bộ Dân Vận và Hội Phụ nữ xã phối hợp với nhau để mà đến hoà giải. Thoáng thấy đoàn cán bộ dắt díu nhau từ cổng ông Kiên đã đoán được sự tình.

Tuy không ưa gì cái đám tuyên truyền mị dân này nhưng ông cũng lịch sự mời họ vào nhà. Vừa vào đến nhà đám cán bộ đã lập tức thi triển chiêu thức đã được đào tạo. Với cái tài lừa phỉnh người dân phải hết lòng đi theo và trung thành với đảng Cộng sản, vị cán bộ dân vận tỉ tê khuyên giải cụ Kiên không nên gây mất trật tự xóm làng, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm. Bên cán bộ Hội Phụ Nữ thì khuyên can cụ bà hãy xứng đáng là người phụ nữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như lời Bác Hồ đã dạy, phải hết lòng thương yêu chồng...; đại loại là như vậy, họ nói nhiều và thật nhiều nhưng ông Kiên cứ để ngoài tai. Vì ông không lạ gì mấy cái loa tuyên truyền giả hiệu này nữa. Tiễn đoàn cán bộ ra đến cổng, ông Kiên liền quay vào nhà và chửi đổng đủ để một mình nghe:
- Chỉ tuyên truyền cho quân tham nhũng thì tài, không thấy tuyên truyền nổi khổ của dân bao giờ cả!...
o0o

Hôm nay như mọi ngày, người ta lại thấy ông Kiên xách theo cái chai đi mua rượu. Dáng ông đi khật khưởng, cái chai trong tay cũng lắc lư theo từng nhịp bước. Bây giờ đang là mùa xuân, cỏ cây cũng đã trở nên xanh tốt. Thiên nhiên đất trời đang nở hoa, còn trong lòng ông thì lại trăm mối tơ vò. Tuy tuổi đã già nhưng một tương lai bất định đang chờ đợi ông, một cuộc sống buồn tủi giữa đám người vô cảm. Chợt một ngọn gió đông thổi qua nghe mát lạnh và làm rạp đám cỏ non ven đường. Không biết ngọn gió đông đã từng thay đổi bao triều đại kia có đổi thay được hoàn cảnh sống của ông bây giờ? Tiếng sấm truyền của chú Phước lại đều đều vọng tới, nghe lúc xa lúc gần:

 “Gió đông xuất hiện
Vàng xanh rợp trời
Sắc Đỏ hết thời
Lùi vào bóng tối...”

27.6.2012

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More