Bà Suu Kyi bầy tỏ sự nghi ngại

Hình: AP: Bà Aung San Suu Kyi nói chuyện với các nhà báo 
trong cuộc họp báo tại tư gia của bà ở Rangoon hôm 30/3/12

Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi bầy tỏ sự nghi ngại về tính công bằng của các cuộc bầu cử bổ túc vào ngày mai. Cuộc bầu cử này được coi như một thước đo quan trọng về sự cam kết với cải cách chính trị của chính phủ Miến Điện.


Hai ngày trước khi phòng phiếu mở cửa cho cuộc bầu cử phụ ngày 1 tháng 4 ở Miến Điện, ứng cử viên Aung San Suu Kyi nói chuyện với các ký giả, các nhà ngoại giao và các quan sát viên tại một cuộc họp báo trong vườn nhà bà. Lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ đã bị ốm hồi tuần trước sau 2 tháng vận động không ngừng khắp nước, nơi bà đã được hàng ngàn người ủng hộ yêu mến bà chào đón.
Bà nói thời khóa biểu căng thẳng của bà đã khiến bà cảm thấy đuối sức, nhưng điều đó không ngăn cản bà dành một đêm để ở lại đơn vị bầu cử của bà, là xã Kawhmu.

được nhiều người cho là sẽ thắng ở đơn vị bầu cử này, bà Aung San Suu Kyi đã mau mắn nêu ra rằng cuộc bầu cử không thể được gọi là tự do và công bằng. Bà nói:

“Như tôi đã nói từ trước, tôi không cho rằng ta có thể coi cuộc bầu cử ấy là thực sự tự do và công bằng nếu chúng ta xét tới những gì đã diễn ra trong mấy tháng vừa qua, nhưng dù sao vì chúng ta mong ước tìm cách tiến tới hòa giải dân tộc nên chúng ta sẽ cố gắng chịu đựng những gì đã xảy ra và chúng ta hy vọng rằng sự can đảm và quyết tâm của dân chúng sẽ khắc phục được những hăm dọa và các trường hợp bất hợp lệ đã xảy ra.”

Các quan sát viên bầu cử không được phép vào Miến Điện mãi đến 1 tuần trước ngày bầu cử. Các tổ chức đối lập nói danh sách cử tri đã bị nhét đầy tên những người đã chết và một số ứng cử viên và cử tri đã bị hăm dọa và đút lót.

Mặc dầu đảng của bà Aung San Suu Kyi quyết định không tham gia cuộc bầu cử kỳ trước vì thiếu công bằng, bà nhấn mạnh rằng việc tham gia kỳ này là một ý kiến tốt.

Bà nói bà không cảm thấy mình bị lợi dụng để hợp pháp hóa chính phủ hiện thời và để thuyết phục các chính phủ Tây phương bãi bỏ các biện pháp chế tài. Bà nói đảng của bà có hai mục đích: một là thắng tất cả các ghế ra dự tranh, và hai là giúp đánh động ý thức chính trị của người dân Miến Điện. Bà nói:

“Chính cái ý thức chính trị được đánh động này của nhân dân là điều chúng tôi coi như thắng lợi lớn nhất của chúng tôi. Điều này đã gây khích lệ từ khắp nơi trong nước. Và chúng tôi đặc biệt cảm thấy phấn khởi trước sự tham gia của những người trẻ tuổi ở khắp nơi. Tất cả đều là những hứa hẹn rất tốt cho tương lai đất nước. Và nó chứng tỏ rằng có tiềm năng rất lớn sau nhiều thập niên chịu thúc thủ, người ta có thể trông đợi rằng rất ít người trong dân chúng sẽ ở vị thế tham gia vào tiến trình này. Nhưng chúng ta đã nhận thấy rằng họ mau chóng thức tỉnh và mau chóng hiểu ra các vấn đề.”

Bà Aung San Suu Kyi nói bà cảm thấy rằng cuộc bầu cử sẽ là một bước thiết yếu hướng tới hòa giải dân tộc. Bà đặc biệt đề cập đến xung đột tại những khu vực biên giới bất ổn của Miến Điện, nhưng có vẻ hy vọng rằng việc giải quyết xung đột nằm trong tầm tay với. Bà nói:

“Chúng ta đã đặc biệt phấn khởi trước sự đáp ứng tại các bang sắc tộc, tại bang Kachin, tại bang Shan, và bang Mon. Chúng ta đã thấy rằng có một tiềm năng rất lớn cho một sự đoàn kết dân chủ, bởi vì chúng ta không thấy có những bất đồng cơ bản nào giữa những gì chúng ta mong muốn và những gì người dân ở các bang sắc tộc mong muốn. Rốt cuộc chúng ta đều là người Miến Điện, và chỉ thuộc khối đa số trong nhiều nhóm sắc tộc khác ở Miến Điện.”

Sự lạc quan của bà kèm theo một lời cảnh báo,và bà xác định sự hợp tác của quân đội là một yếu tố cấp thiết trong việc xúc tiến cải cách.

Tuy nói về tính khả tín của cuộc bầu cử một cách thẳng thắn, bà Aung San Suu Kyi đã không trực tiếp trả lời các câu hỏi về chính sách, và giải thích rằng bà cần phải lọt vào quốc hội ở thủ đô Naypyitaw trước đã, rồi mới thảo luận về các mục tiêu cụ thể của bà ở đó.     


NHỮNG CON SỐ VỀ QUỐC HỘI MIẾN ĐIỆN
- Ngành lập pháp gồm 440 ghế Hạ viện, 224 ghế Thượng viện, 14 nghị viện khu vực.
- 25% số ghế do quân đội chọn trong số các quân nhân.
- Đảng Đoàn Kết Thống Nhất và Phát Triển USDP chiếm 76% số ghế trong cuộc bầu cử năm 2010.
BẦU CỬ BỔ TÚC NGÀY CHỦ NHẬT
- Các ứng viên tranh 45 ghế
- 160 ứng cử viên của 17 đảng và 8 ứng cử viên độc lập ra tranh kỳ này

http://www.voanews.com/vietnamese/news/asia/burma-suu-kyi-3-30-12-145169955.html
DienDanCTM
 

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More