Quyền biểu tình

Luật sư Nguyễn Văn Đài
Bất chấp cấm cản, dân Hà Nội đã xuống đường
chống TQ liên tục 8 tuần lễ qua

Quyền biểu tình được qui định tại điều 69 Hiến pháp Việt Nam 1992.

Phần I: Ý nghĩa và mục đích của quyền biểu tình.

Quyền biểu tình là quyền Hiến định để nhân dân thể hiện quyền lực của mình như qui định tại điều 2 Hiến pháp 1992 “…Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân,..”. Quyền biểu tình cũng là phương tiện để nhân dân bày tỏ ý trí, nguyện vọng và đòi hỏi của mình trước thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Quyền biểu tình còn là vũ khí đấu tranh mạnh nhất và cuối cùng của nhân dân khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm sau khi tất cả các biện pháp giải quyết bằng thủ tục pháp lý khác không mang lại kết quả hài lòng cho nhân dân. Bởi ý nghĩa to lớn của quyền biểu tình và quyền biểu tình là quyền Hiến định nên nó không bị hạn chế bởi qui định của các văn bản dưới luật. Quyền biểu tình chỉ có thể bị hạn chế trong thời gian tình trạng khẩn cấp được công bố chính thức, đe dọa sự sống còn của quốc gia. Và luật về tình trạng khẩn cấp phải do Quốc hội ban hành.
Mục đích của quyền biểu tình:

1/ Nhân dân thực thi quyền lực của mình:

“…Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…” thể hiện ở chỗ nhân dân có quyền bầu ra Quốc hội, Quốc hội bầu ra chính phủ. Nhân dân cũng có quyền thực thi các công cụ pháp lý để giải tán Quốc hội và chính phủ.

Theo Hiến pháp Việt Nam 1992, nhân dân có hai công cụ pháp lý để thực hiện quyền lực của mình. Thứ nhất, quyền bầu cử được qui định tại điều 54. Thông qua việc bầu cử, nhân dân có quyền lựa chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội.

Công cụ pháp lý thứ hai là quyền biểu tình được qui định tại điều 69. Tại sao khi nhân dân thực hiện quyền biểu tình là thực thi quyền lực của mình? Bởi sau khi nhân dân bầu ra Quốc hội và Quốc hội bầu ra chính phủ để điều hành công việc của đất nước. Và trong suốt 5 năm nhiệm kỳ của mình chưa chắc là Quốc hội và chính phủ đã thực hiện đúng với những gì mà họ đã hứa hẹn với nhân dân. Có thể là họ đã ban hành những đạo luật hay thực hiện những chính sách kinh tế xã hội, đối nội, đối ngoại gây thiệt hại cho lợi ích của nhân dân và lợi ích của quốc gia, đồng thời gây ra bất bình cho nhân dân. Khi đó nhân dân sẽ thực hiện quyền biểu tình để phản đối những đạo luật hay những chính sách bất hợp lý đó của Quốc hội và chính phủ, buộc Quốc hội và chính phủ phải sửa đổi hoặc hủy bỏ các đạo luật hay chính sách đó. Nếu như yêu cầu đó của nhân dân không được đáp ứng, thì những cuộc biểu tình của nhân dân sẽ kéo dài đến khi Quốc hội và chính phủ đó phải bị giải tán. Nhân dân sẽ thực hiện quyền bầu cử của mình để bầu ra Quốc hội và chính phủ mới phù hợp với ý trí và nguyện vọng của nhân dân. Thực hiện quyền biểu tình để giải tán Quốc hội và chính phủ đó là nhân dân thực thi quyền lực của mình và đó mới thực sự là mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân.

2/ Quyền biểu tình là phương tiện để nhân dân đòi hỏi, bày tỏ ý trí, nguyện vọng của mình trước thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.

-          Khi nền kinh tế rơi vào lạm phát, giá cả hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, xăng dầu tăng cao làm ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến đời sống của nhân dân, trong khi chính phủ không có giải pháp hoặc có giải pháp nhưng không hiệu quả mà nguyên nhân có thể do lãnh đạo chính phủ quan liêu, yếu kém về năng lực. Bởi vậy nhân dân sẽ thực hiện quyền biểu tình để đòi hỏi sự thay đổi, trừng phạt những quan chức quan liêu, năng lực yếu kém và buộc họ phải từ chức để cho những người có tâm huyết và năng lực thực sự lãnh đạo.

-          Khi nền kinh tế được đổi mới và phát triển nhanh chóng, trong khi thể chế chính trị không được đổi mới và cải cách cho phù hợp. Những quyền chính trị căn bản của nhân dân chưa được tôn trọng và thực hiện trên thực tế. Nhân dân sẽ thực hiện quyền biểu tình để đòi hỏi đổi mới và cải cách chính trị, thực hiện dân chủ hóa xã hội.

-          Tham nhũng, đạo đức xã hội bị suy thoái đều là những vấn nạn xã hội nghiêm trọng. Và để thúc đẩy và tạo động lực mạnh mẽ trong việc chống tham nhũng, nhân dân có thể thực hiện quyền biểu tình nhằm vào những quan chức đã bị tố cáo tham nhũng, hoặc biểu tình ủng hộ cho những chiến dịch chống tham nhũng.

-          Khi chủ quyền, an ninh quốc gia bị ngoại bang đe dọa, xâm chiếm. Nhân dân thực hiện quyền biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của cả dân tộc trong việc phản đối và chống lại sự đe dọa, xâm chiếm của ngoại bang.

3/ Quyền biểu tình là vũ khí đấu tranh của nhân dân khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm:

Trong quá trình ban hành và thực thi các chính sách kinh tế xã hội của chính phủ hay của các chính quyền địa phương sẽ có những chính sách kinh tế xã hội như thu hồi và đền bù đất đai không phù hợp với thực tế, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân bị thiệt hại. Nhân dân sẽ thực thi các công cụ pháp lý như quyền khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhưng trên thực tế đa số các trường hợp khiếu nại, tố cáo của nhân dân không đạt được kết quả mong muốn. Lúc đó việc nhân dân thực hiện quyền biểu tình được qui định trong Hiến pháp là giải pháp cuối cùng và cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Phần II. Thực thi quyền biểu tình

1/ Quyền biểu tình qui định tại điều 69 Hiến pháp 1992 và các đạo luật liên quan:

Để đảm bảo quyền biểu tình của công dân được thực hiện một cách đúng đắn, thông thường trong hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới, Quốc hội của họ ban hành luật về biểu tình để qui định trình tự, thủ tục cho người dân đăng ký biểu tình. Đồng thời họ cũng ban hành luật về tình trạng khẩn cấp hoặc luật an ninh để qui định trong trường nào thì quyền biểu tình bị hạn chế một phần hoặc toàn bộ.

Ở Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại, Quốc hội chưa ban hành luật biểu tình và các đạo luật khác có liên quan đến quyền biểu tình. Bởi vậy mọi công dân Việt Nam được tự do thực hiện quyền biểu tình mà không cần phải xin phép hay đăng ký. Quyền biểu tình của công dân Việt Nam không bị giàng buộc hoặc hạn chế bởi bất cứ một đạo luật nào đang có hiệu lực.

2/ Thực trạng của việc thực hiện quyền biểu tình ở Việt Nam:

Hiến pháp năm 1946 chỉ qui định công dân Việt Nam có quyền tự do tổ chức và hội họp. Nhưng từ Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 đều qui định công dân Việt Nam có quyền biểu tình.

Trong thực tế, từ năm 1975 hầu như nhân dân ít thực hiện quyền biểu tình của mình, ngoại trừ những cuộc biểu tình tự phát, qui mô nhỏ ở các địa phương khi có tranh chấp với chính quyền trong việc đền bù, thu hồi đất. Cho đến năm 2008 khi Trung Quốc bắt đầu gây hấn ở biển Đông thì nhân dân bắt đầu ý thức được quyền biểu tình của mình để bày tỏ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc và để phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Đặc biệt từ đầu tháng 6 năm 2011 tới nay, các tầng lớp thanh niên, sinh viên, trí thức, hưu trí… đã tổ chức các cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn vào ngày Chủ nhật hàng tuần để phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải, và phá hoại tài sản của Việt Nam.

Những cuộc biểu tình này chưa thực sự thu hút được nhiều người dân tham gia, nhưng nó lại mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là nhận thức và hiểu biết của nhân dân về quyền biểu tình đã được nâng cao và những người đã, đang và sẽ tham gia biểu tình thực sự là những con người có bản lĩnh và lòng dũng cảm. Họ đã thể hiện lòng yêu nước của mình, tinh thần đoàn kết dân tộc khi kẻ thù xâm phạm đến chủ quyền lãnh hải quốc gia. Ngoài ra những cuộc biểu tình này còn có ý nghĩa tập dượt và tích lũy kinh nghiệm cho cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước trong tương lai gần.

Thật đáng tiếc, hai tuần gần đây khi chính quyền ra tay đàn áp và giải tán các cuộc biểu tình, những người tham gia biểu tình đã bị bắt giữ, nhiều người bị đánh dã man. Lúc này lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc của nhân dân đã bị chính quyền xúc phạm và làm tổn thương.

3/ Những người ra lệnh và những người thực hiện lệnh giải tán và trấn áp biểu tình phạm tội gì?

Điều 71 Hiến pháp qui định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.
Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật…”

Do đó trước hết phải khẳng định ngay những người ra lệnh và thực hiện mệnh lệnh đã vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Việt Nam năm 1992 khi họ giải tán, trấn áp và bắt giữ những công dân Việt Nam đang thực thi quyền biểu tình theo điều 69 Hiến pháp. Đồng thời người ra lệnh và người thực thi mệnh lệnh giải tán và trấn áp biểu tình đều là đồng phạm trong các trường hợp sau đây:

-          Gây hậu quả chết người tham gia biểu tình: Họ có thể phạm tội giết người theo điều 93 Bộ luật hình sự(BLHS); hoặc tội làm chết người trong khi thi hành công vụ theo điều 97 BLHS.

-          Gây thương tích cho người tham gia biểu tình: Họ có thể phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác theo điều 104 BLHS; hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác trong khi thi hành công vụ theo điều 107 BLHS.

-          Khi họ bắt và giam giữ những người biểu tình thì họ có thể phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo điều 123 BLHS.

-          Trong trường hợp làm hư hỏng tài sản của người tham gia biểu tình, người thi hành công vụ có thể phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo qui định tại điều 143 BLHS.

Như vậy, những người ra lệnh và thực hiện lệnh trấn áp biểu tình là họ vi phạm Hiến pháp, pháp luật và đang chống lại nhân dân.

4/ Vận động các tầng lớp nhân dân tham gia biểu tình.

Đây là không chỉ là thời điểm hết sức quan trọng trong việc phản đối và chống lại Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải và phá hoại tài sản quốc gia của Việt Nam. Mà còn là thời điểm đấu tranh chống giặc nội xâm( tham nhũng ) và đấu tranh cho quá trình dân chủ hóa đất nước.
Thực thi quyền biểu tình là thể hiện truyền thống anh hùng bất khuất của cha ông chúng ta trong việc chống giặc ngoại xâm và những kẻ đang có mưu đồ bán rẻ chủ quyền lãnh hải quốc gia.

Thực thi quyền biểu tình sẽ thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đất nước và tiến bộ xã hội.

Bởi vậy tất cả mọi người dân Việt Nam lúc này cần phải thực thi quyền biểu tình để thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước, thể hiện bản lĩnh và lòng dũng cảm, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc.

 Hà nội, ngày 20 tháng 7 năm 2011
Luật sư Nguyễn Văn Đài

1 comments:

Những giòng chia sẽ của LS Nguyễn Văn Đài hết sức rõ ràng. Vậy mà nhà nước Việt Nam luôn luôn phủ nhận và thực thi trái ngược. Bây giờ chỉ còn cách là gửi đơn kiện ông Bộ Trưởng Bộ công an mà thôi. Rất cảm ơn LS. Nguyễn Văn Đài và xin chúc LS. luôn an bình.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More