Nguyễn Minh Cần - Mười bài học từ cao trào cách mạng ở Tunisia và Egypt

Nguyễn Minh Cần

Tác giả gửi tới Dân Luận

Mến tặng các bạn trẻ có lòng yêu nước, thương dân

Ông Nguyễn Minh Cần
Giới thiệu về tác giảÔng Nguyễn Minh Cần sinh năm 1928 tại Huế. Ông tham gia kháng chiến trước tháng 08/1945 khi còn là học sinh ở tại đây. Năm 1946, ông là đảng viên Đảng Cộng Sản Đông Dương, và hoạt động ở Thừa Thiên với chức vụ Ủy viên Thường vụ Tỉnh Ủy Thừa Thiên.

Sau đó, ông hoạt động bí mật tại Hà Nội từ năm 1951. Từ tháng 10 năm 1954 đến 1962 ông làm Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, chủ nhiệm báo Thủ đô Hà Nội. Năm 1962 ông được Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng CS Việt Nam) cử đi học trường Ðảng Cao cấp tại Liên Xô.

Trong thời gian này, các ông Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ, lúc đó ngả theo đường lối chống Liên Xô của đảng CS Trung Quốc, đã mở một chiến dịch truy bức quy mô nhằm thanh toán những người mà họ cho là có tư tưởng theo chủ nghĩa xét lại của Liên Xô. Nhiều đảng viên và ngay cả những trí thức không dính dáng gì đến Đảng Lao động Việt Nam cũng bị hãm hại.


Trước tình hình đó, ông Nguyễn Minh Cần và một số đảng viên cao cấp khác của Đảng Lao động Việt Nam đã quyết định xin tỵ nạn chính trị tại Liên Xô. Mặc dù Liên Xô đã từ chối lời yêu cầu của Việt Nam và không giao trả ông cho Việt Nam nhưng nước này bắt ông không được phép hoạt động chính trị nữa và phải đổi cả tên họ sang tên Liên Xô để bảo đảm an ninh.

Vợ và các con của ông ở Việt Nam bỗng nhiên trở thành nạn nhân của chính sách trả thù của Đảng Lao động/CS Việt Nam.

Từ năm 1989, ông Nguyễn Minh Cần đã tham gia tích cực vào “Phong trào nước Nga Dân chủ”. Cùng với người vợ Nga, ông Nguyễn Minh Cần đã tham gia vào chiến dịch bảo vệ Tòa Nhà trắng của Phong trào và phá vỡ cuộc đảo chánh của phe nhóm CS tại Nga vào tháng 08/1991.

Ông Nguyễn Minh Cần hiện đã về hưu. Phần lớn thời giờ ông dành để nghiên cứu Phật học và viết các bài nghiên cứu chính trị.

Tiếp theo sự sụp đổ của “triều đại” tổng thống Ben Ali ở Tunisia hôm thứ sáu ngày 14.01.2011 thì ngày 11.02.2011, thế giới lại được chứng kiến sự sụp đổ của “triều đại” tổng thống Hosni Mubarak ở Egypt, sau 18 ngày đấu tranh cực kỳ gay go của hàng triệu quần chúng cách mạng trên khắp đất nước, đặc biệt là trên quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo.

Đây là những thắng lợi lớn, bước đầu nhưng rất căn bản, của cuộc cách mạng dân chủ ở Tunisia và Egypt. Những thắng lợi lịch sử này mở đường cho cuộc đấu tranh tiếp tục rất gay go và phức tạp của nhân dân hai nước này để xây dựng một chế độ dân chủ đích thực. Sóng thần cách mạng ở Tunisia và Egypt đang lay động mạnh các chế độ độc tài toàn trị trên nhiều nước A Rập lân cận và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cả tình hình chung của thế giới.

Những biến cố trọng đại ở hai nước Tunisia và Egypt được các chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, tự do trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm nghiên cứu để rút ra những bài học cho mình, mà cả các giới cầm quyền độc tài trên toàn cầu cũng ra sức rút tỉa kinh nghiệm để hòng đối phó với bão táp cách mạng của quần chúng trong tương lai nhằm bám chặt quyền thống trị nhân dân.

Ở đây, người viết xin miễn nhắc lại diễn tiến các sự kiện, vì chúng ta đã có rất nhiều thông tin trong mấy chục ngày qua, mà xin đi ngay vào đề tài cần bàn đến.

Thế thì, đứng trên quan điểm của các chiến sĩ dân chủ, chúng ta có thể rút ra những bài học gì? Theo thiển ý của người viết, có những bài học lớn sau đây đáng chú ý:

1/ Bài học đầu tiên là Lịch sử (viết hoa) bao giờ cũng cho ta những “cú” bất ngờ cả. Thật thế! Không cần phải đi xa hàng thế kỷ trước để đưa ra dẫn chứng, chỉ cần nêu ra những thí dụ trong vài chục năm gần đây thôi cũng đủ rõ. Có ai ngờ được rằng cái “đế quốc” cộng sản khổng lồ là Liên Bang Xô Viết, với 10 triệu đảng viên cộng sản, 20 triệu đoàn viên thanh niên cộng sản, 6 triệu quân tinh nhuệ, hàng triệu quân nội địa của bộ nội vụ, với bộ máy mật vụ KGB cực kỳ nhạy bén, với đủ các loại vũ trang cực kỳ tối tân, kể cả vũ khí hạt nhân cực mạnh... mà có thể sụp đổ nhẹ nhàng trước cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân hồi năm 91 thế kỷ trước? Có ai ngờ được rằng bức tường Berlin kiên cố như vậy đứng vững hàng chục năm trời mà sụp đổ chỉ trong một đêm? Có ai ngờ được rằng cuộc cách mạng nhung diễn tiến nhẹ nhàng đến thế trên đất nước Tiệp Khắc, Hungaria, Ba Lan, v.v...? Có ai ngờ được rằng nước Đức đã thống nhất hòa bình một cách êm dịu, trong lúc đó Cộng hòa Dân chủ Đức thì tiêu biến? Không ai ngờ được hết! Và lần này cũng vậy, không ai ngờ vụ anh Mohamed Bouazizi, một chàng trai 26 tuổi, có học mà thất nghiệp phải đi bán hàng rong hoa quả để kiếm sống, vì quá uất ức khi chiếc xe hàng của anh bị cảnh sát tịch thu, anh đã tự thiêu ngày 17.12.2010, và ngọn lửa của cây đuốc sống đó đã biến thành một cơn bão lửa cách mạng thiêu trụi chế độ độc tài toàn trị thâm căn cố đế ở Tunisia, rồi lan sang tận Egypt làm sụp đổ cả “triều đại” Mubarak.

Vậy thì bài học đầu tiên là: chớ thấy chế độ độc tài toàn trị bề ngoài trông có vẻ nhất trí, thống nhất, mạnh mẽ, hùng cường dường như không gì lay chuyển nổi, với quân đội hùng hậu, công an mật vụ dày đặc, hung dữ, xảo quyệt, đảng, đoàn đông đảo làm hậu thuẫn vững vàng cho chế độ, v.v... mà sợ hãi! Khi mà Lịch sử đã chơi cho một “cú” bất ngờ thì mọi chỗ dựa của chế độ toàn trị sẽ tê liệt trước sức mạnh của quần chúng cách mạng, và chế độ toàn trị trở nên vô cùng yếu đuối, cuối cùng sẽ rụng xuống như một trái mít từ lâu đã chín rục trên cành, hay nói văn hoa hơn, như một người khổng lồ chân đất sét. Lẽ huyền bí của Lịch sử khó mà tiên đoán được!

Nói đến bài học này không phải để các chiến sĩ dân chủ chủ quan, khinh địch, nhưng để mọi người tăng thêm lòng tin tưởng và hiểu được rằng mọi cuộc cách mạng muốn bùng nổ phải có thời cơ, mà thời cơ thì bao giờ cũng đến rất bất ngờ. Có khi chỉ vì một sự kiện không quan trọng lắm cũng đủ châm ngòi cho sự bùng nổ. Vậy thì các chiến sĩ dân chủ chúng ta phải cố gắng kiên trì, nhẫn nại chuẩn bị về mọi mặt, tinh thần, tổ chức, v.v... để khi thời cơ đến thì phải “trở tay” cho kịp. Đừng lãng phí sức lực vào những chuyện tào lao, ồn ào, ầm ĩ, viễn vông, mà phải cần mẫn, khôn khéo làm những việc thiết thực ngay từ bây giờ.

2/ Bài học thứ hai mà cao trào cách mạng dân chủ ở hai nước Tunisia và Egypt dạy cho ta là, trong thế kỷ 21, trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại Internet, giới trẻ, nhất là giới trẻ có kiến thức, sinh viên, học sinh là lực lượng châm ngòi, là động lực, là đầu tàu của mọi cuộc cách mạng dân chủ. Giới trẻ ở hai nước Tunisia và Egypt đã phất ngọn cờ đầu tiên để cổ xúy quần chúng, cuốn hút quần chúng. Họ đã tận dụng các phương tiện thông tin điện tử, các blog, Facebook, Twitter để huy động, tổ chức và phối hợp nhanh chóng một khối lượng quần chúng rất lớn xuống đường tranh đấu. Tiêu biểu nhất là anh thanh niên Wael Ghonim, kỹ sư máy tính người Egypt, đã lập một trang Facebook, nối kết hơn 400 nghìn người và chính anh cùng bạn bè đã dùng hệ thống thông tin điện tử đó để huy động giới trẻ xuống đường. Anh được dân chúng coi là biểu tượng của cuộc cách mạng Egypt. Cố nhiên, khi giới trẻ trí thức đã dũng cảm đi hàng đầu rồi thì đại chúng liền hưởng ứng, tức là các tầng lớp khác, công nhân, lao động, nông dân... đều phát huy vai trò tích cực của mình trong cuộc đấu tranh chung chống chế độ độc tài.

Các bậc huynh trưởng của phong trào dân chủ cần thấy rõ điều này để tin tưởng vào lực lượng của giới trẻ có kiến thức, của sinh viên học sinh, trí thức, họ vừa là đội tiên phong, vừa là quân xung kích của cuộc cách mạng dân chủ. Dĩ nhiên, các bậc huynh trưởng – nếu có thể được – đều nên đóng vai trò cố vấn, góp ý cho giới trẻ, nhưng phải tôn trọng sáng kiến của họ. Đừng e ngại rằng sẽ có xung đột giữa hai thế hệ già, trẻ. Thực tế ở hai nước Tunisia và Egypt, cho đến ngày hôm nay, ta không thấy sự xung đột nào giữa giới trẻ và người lớn tuổi, trái lại, ta thấy rõ sự đồng tâm nhất trí của mọi người, không phân biệt tuổi tác, nam nữ, giàu nghèo, tôn giáo... trong mục tiêu chung là đánh đổ tên độc tài và chế độ độc tài toàn trị và xây dựng chế độ dân chủ đích thực trên đất nước thân yêu của họ. Chính lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc của đại chúng Tunisia và Egypt đã gắn bó mọi người trong những ngày đấu tranh cũng như trong những ngày thắng lợi.

3/ Bài học thứ ba là, cuộc đấu tranh tuy mãnh liệt, căng thẳng vô cùng, nhưng là một cuộc đấu tranh hòa bình, bất bạo động. Chúng ta thấy rõ ràng những người xuống đường đấu tranh chỉ có tay không, trong tay không có một tấc sắt, họ chỉ mang theo khẩu hiệu, lúc đầu phần lớn là những khẩu hiệu về đời sống, như phản đối tăng giá hàng thiết yếu, phản đối thất nghiệp, chống tham nhũng, v.v... rồi chuyển thành những khẩu hiệu chính trị mạnh mẽ, thẳng thừng, như đòi phế truất tổng thống, giải tán đảng cầm quyền, đập tan chế độ độc tài, v.v... Vũ khí duy nhất của quần chúng có lẽ chỉ là cái miệng để hô khẩu hiệu và để vận động binh sĩ... Cố nhiên, khi xảy ra những vụ xô xát với cảnh sát mật vụ, hay với những cuộc “biểu tình” của cái gọi là “phe thân tổng thống” (thực ra là của đám tay chân cảnh sát mật vụ) có vũ khí thì quần chúng cách mạng cũng phải dùng đá, gậy gộc để đối chọi lại. Nói chung, trong cả nước Egypt chỉ xảy ra vài ba cuộc đấu tranh có vũ trang, tấn công và đốt cháy đồn cảnh sát mà thôi. Như vậy, cao trào cách mạng ở hai nước Tunisia và Egypt cho ta thấy cuộc đấu tranh hòa bình không vũ khí của hàng trăm ngàn người, thậm chí có ngày lên đến một, hai triệu, có một sức mạnh cực lớn làm tê liệt bộ máy đàn áp của giới cầm quyền, gây áp lực mạnh đến mức tên độc tài ngoan cố nhất phải lùi bước. Cố nhiên, phía dân chúng cũng chịu tổn thất lớn, trên 300 người chết, trên 1000 người bị thương. Đó là cái giá phải trả cho thắng lợi của tự do.

4/ Bài học thứ tư mà người viết cho rằng rất quan trọng là giới trẻ ở hai nước đã đi theo một đường lối cách mạng tích cực và triệt để với tinh thần tiến công tích cực, với quyết tâm đánh đổ những tên độc tài và chế độ độc tài toàn trị. Chính cái đường lối tích cực đó phù hợp với tình thế và khích lệ tâm trạng của đại chúng đang bừng bừng khí thế cách mạng mong mỏi sớm hạ bệ tên độc tài và chế độ độc tài toàn trị. Nhân đây, cũng xin nói thêm điều này: qua tấm gương của cách mạng hoa Lài cũng như cuộc nổi dậy ở Egypt, chúng ta thấy rõ những “thuyết” của một vài người trong và ngoài nước ta đã đưa ra trong những năm gần đây, như “thuyết” hòa giải hòa hợp cả với giới cầm quyền, hoặc “thuyết” nói rằng “cuộc đấu tranh cho dân chủ không phải là một cuộc xung đột thù địch một mất một còn mà phải là một cuộc đối đầu hòa bình – ít nhất là hòa bình đơn phương từ phe dân chủ”, cũng như “thuyết” “tự tan, tự vỡ” của đảng cầm quyền là những “thuyết” sai lầm và có hại cho cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài toàn trị ở nước ta.

5/ Bài học thứ năm là tinh thần đấu tranh dũng cảm, kiên cường, có nhiều lúc tay không mà phải đối chọi với cảnh sát có vũ trang, nhưng quần chúng cách mạng vẫn không lùi bước. Tinh thần sẵn sàng chết vì nước trong lớp trẻ rất cao. Xin nhắc lại nguyên văn lời anh Wael Ghonim nói với đài CNN: “Tôi nói cho anh biết rằng tôi sẵn sàng chết. Tôi có rất nhiều thứ trong đời để mất. Tôi đang đi làm, anh biết tôi đang xin nghỉ làm, tôi làm việc cho một công ty tốt nhất trên thế giới. Tôi có một người vợ hoàn hảo, và tôi có mọi thứ tốt nhất, tôi yêu thương con cái tôi, nhưng tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả mọi thứ đó cho giấc mơ của tôi trở thành hiện thực và không ai có thể đi ngược lại ước muốn của chúng tôi. Không ai có thể!”. Tinh thần hy sinh vì nước, vì lý tưởng dân chủ không chỉ ở anh Wael Ghonim mà ở rất nhiều người khác. Và, như chúng ta đã biết, ở Egypt có trên 300 người đã hy sinh, hàng nghìn người bị thương mà dân chúng không hề nao núng, khí thế đấu tranh vẫn mãnh liệt. Trên màn hình, ta thấy có người bị thương băng bó đầy người, kể cả cái đầu chỉ để lộ ra cặp mắt sáng rực đã đưa bàn tay chìa hai ngón làm thành chữ V (victoire), biểu thị lòng tin ở thắng lợi. Cả ở Tunisia cũng như ở Egypt hai tổng thống độc tài đều cố sức bám riết vào quyền lực, nhưng quần chúng cách mạng đấu tranh đến cùng nên một ông ôm vàng và của cải chạy trốn và ông thứ hai đã phải rút lui. Ở Tunisia, khi tổng thống chạy trốn rồi, dân chúng vẫn kiên trì đấu tranh đòi gạt bỏ hết những kẻ đã từng nắm quyền hành trong cái đảng cũ của tổng thống và trong bộ máy nhà nước. Và những đòi hỏi đó của quần chúng về cơ bản đã thực hiện được. Cái tinh thần tấn công không ngừng của dân chúng Tunisia thật đáng học. Còn ở Egypt, tình hình có thể sẽ phức tạp hơn, khó khăn hơn, nhưng còn phải chờ xem những việc làm cụ thể của Hội đồng quân sự tối cao mới có thể rõ được sự phản ứng của dân chúng. (Tôi viết bài này một ngày sau sự kiện tổng thống Mubarak từ chức nên chưa biết sự tiếp diễn về sau). Tuy nhiên, từ dân chúng cũng đã nói lên ý muốn tiến tới một chính quyền dân sự để lo việc sửa đổi hiến pháp, sửa đổi luật bầu cử và tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu tổng thống và Quốc hội. Đến hôm nay vẫn còn nhiều người không chịu đi khỏi quảng trường Tahrir ở Cairo, dù quân đội đã ra lệnh. Nhưng chắc rồi nay mai trên quảng trường Tahrir cũng sẽ không còn quần chúng biểu tình nữa.

6/ Cao trào cách mạng ở hai nước Tunisia và Egypt đã thắng lợi bước đầu đã chứng tỏ rằng nhiều nhà dân chủ nước ta chủ trương “lực lượng đấu tranh trong nước là chủ yếu, lực lượng đấu tranh ngoài nước chỉ là hỗ trợ” là một chủ trương đúng đắn, bất chấp sự phản đối của một nhà lý luận nọ đòi: “.... phải khẩn cấp từ bỏ ngôn ngữ giả dối là quốc nội là chủ lực, hải ngoại chỉ có vai trò yểm trợ”. Các chiến sĩ dân chủ nước ta phải có quan niệm rõ ràng, dứt khoát để không ỷ lại vào lực lượng đấu tranh ở ngoài nước, mà ngay từ đầu phải tập trung sức lực vào việc xây dựng lực lượng quần chúng trong nước. Bài học cách mạng hai nước Tunisia và Egypt là chứng minh hùng hồn bằng thực tế tính đúng đắn của chủ trương nói trên.

7/ Một bài học sâu sắc nữa là những kẻ cầm quyền ở hai nước đã không biết nói chuyện hiền hòa, lịch sự với người dân, chúng chỉ quen thói ngạo mạn “đối thoại” với dân bằng dùi cui, hơi cay và vòi rồng phun nước... nên đã gây ra hậu quả bùng lên ngọn lửa căm hờn từ một người (anh Mohamed Bouazizi) đến hàng nghìn, hàng trăm nghìn, hàng triệu người, và thế là cả một trận bão lửa hừng hực cháy trên cả hai nước Tunisia và Egypt và hiện đang có cơ cháy lan sang nhiều nước khác nữa, Algeria, Iran, Libya, Yemen, Jordan, Bahrain, A Rập Saudi, v.v.... Đó là nguyên nhân trước mắt, khá trực tiếp.

Còn nếu truy nguyên sâu xa hơn nữa thì thấy rằng, tuy hai nước Tunisia và Egypt đã có những thành công rõ rệt về mặt kinh tế, nhưng giới cầm quyền ở hai nước đó đã không dám làm cải cách chính trị để chống nạn tham nhũng tràn lan, để đem dân chủ lại cho người dân, nên kết quả là cải cách kinh tế đưa đến tình trạng xã hội không thể chịu nổi cái ách đè nén của nền độc tài toàn trị với nạn tham nhũng khủng khiếp được nữa, nên người dân đã phải vùng lên. Chẳng phải chỉ hai nước Tunisia và Egypt lâm vào tình trạng này mà còn nhiều nước khác, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, nền độc tài chính trị còn khắc nghiệt hơn Tunisia và Egypt gấp nhiều lần, nếu không kịp thời cải cách chính trị thì chắc cũng khó tránh được những biến động trong tương lai. Bài học này các giới cầm quyền độc tài toàn trị nên suy ngẫm.

8/ Qua cuộc đấu tranh của nhân dân hai nước Tunisia và Egypt, ta thấy rõ sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự ủng hộ về mặt tinh thần của các chính phủ các nước dân chủ, kể cả nước dân chủ nhất trên thế giới, lúc đầu đều có tính chung chung và rất dè dặt, thận trọng. Điều đó dễ hiểu, vì trong vấn đề quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế, trong vấn đề duy trì tương quan lực lượng giữa các thế lực trong vùng Bắc Phi - Trung Đông, mỗi nước đều theo đuổi những mục đích riêng vì quyền riêng của nước mình. Thêm nữa, vấn đề rất tế nhị là các nước dân chủ cố làm sao để tránh được cái nguy cơ những phe phái Hồi giáo cực đoan nhân những biến cố lịch sử này giành được ưu thế trong vùng đầy mâu thuẫn này. Cho nên, những người dân chủ cần ghi nhớ bài học là trong cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ của nước mình, ta phải ra sức tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của dư luận thế giới, nhất là của các nước dân chủ, nhưng không bao giờ ngây thơ mà đặt tất cả hy vọng vào một nước nào, kể cả nước dân chủ nhất, vì chính phủ nước nào cũng phải nghĩ đến quyền lợi của nước mình trước hết và trên hết. Chính vì thế những người dân chủ không thể ỷ lại vào nước nào mà tự mình phải động viên nội lực là chính, mà nội lực đó chỉ bắt nguồn từ sự đoàn kết toàn dân.

9/ Như người viết đã nhấn mạnh ngay từ đầu, đây là những thắng lợi lớn, bước đầu nhưng rất căn bản của nhân dân Tunisia và Egypt. Cần phát huy thắng lợi này mà tiến lên nữa. Ở Tunisia, tinh thần tấn công không ngừng của quần chúng rất cao: sau khi tổng thông Ben Ali chạy trốn, quần chúng cách mạng vẫn tiếp tục đấu tranh đòi gạt bỏ cho kỳ được những bộ trưởng cũ, đòi giải tán đảng cầm quyền của tổng thống cũ, đòi tổ chức bầu cử dân chủ tự do, đòi thực hiện những cải cách dân chủ, v.v.... và họ đã đạt được những thắng lợi nhất định. Còn ở Egypt, chắc rồi đây, tình hình sẽ khó khăn hơn, vì sau khi tổng thống từ chức thì quyền lực lại trao về tay Hội đồng quân sự tối cao. Những người dân chủ mong rằng Hội đồng này sớm chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự, nhưng đó cũng mới chỉ là ước muốn thôi. Người ta lo ngại rằng giới quân nhân sẽ cướp công của quần chúng cách mạng để nắm giữ quyền lực cho mình. Cuộc đấu tranh chắc chắn sẽ còn gay go. Hôm chủ nhật 13,02.2011, Hội đồng quân sự tối cao họp lần đầu tiên sau khi Mubarak từ chức tổng thống, đã tuyên bố giải tán quốc hội, đình chỉ hiệu lực của hiến pháp, quyết định thành lập một ủy ban về hiến pháp và nói rõ rằng Hội đồng sẽ nắm quyền lực trong thời hạn sáu tháng. Tuyên bố như vậy, còn thực hiện thế nào thì chưa ai biết được. Cuộc đấu tranh của phong trào dân chủ Egypt sẽ rất phức tạp, một phần vì sự tham gia vào cao trào cách mạng của tổ chức Anh em Hồi giáo, một tổ chức mà thế giới dân chủ rất e ngại, và một phần quan trọng nữa là nhiều nước dân chủ, nhất là Hoa Kỳ, lại mong muốn quân đội Egypt mà họ đã tài trợ hàng tỷ dollar sẽ đóng vai trò quan trọng nhất ở Egypt để cân bằng thế chiến lược của họ trong vùng. Chúng ta hãy chờ xem! Nhưng trước mắt có thể rút ra bài học này: đánh đổ một tên độc tài hay một chế độ độc tài chỉ mới là một việc thôi, dù việc đó rất quan trọng, nhưng việc tiếp tục đấu tranh để từng bước xây dựng chế độ dân chủ đích thực mới thật là khó khăn, phức tạp. Vậy thì các chiến sĩ dân chủ phải kiên trì, có sách lược đấu tranh liên tục và khôn khéo để từng bước thực hiện mục tiêu của mình.

Các chiến sĩ dân chủ nên nhớ rằng: khi nói đến chữ cao trào cách mạng thì trong đó đã hàm ý là sẽ có thời kỳ gọi là “thoái trào”. Thoái trào là khi quần chúng cách mạng bị đàn áp mất hết tinh thần, thoái trào còn có thể là do quần chúng cách mạng mỏi mệt vì chờ đợi lâu quá mà không được thấy kết quả rõ rệt (khốn thay, trong số quần chúng tham gia phong trào, nhiều người cứ tưởng là đánh đổ một tên độc tài hay chế độ độc tài rồi, thì ngay sau đó họ sẽ hưởng nhiều quyền lợi và tức thì cuộc đời họ sẽ khác hẳn!), hoặc do quần chúng cách mạng chán nản vì phong trào bị chia rẽ (tình trạng chia rẽ phe phái thường thấy sau khi cách mạng thắng lợi bước đầu), v.v... Cho nên, những người lãnh đạo phong trào dân chủ phải có kế hoạch để tiếp tục đấu tranh từng bước, giành thắng lợi từng bước để duy trì được khí thế cách mạng của quần chúng ngay cả khi thoái trào. Kẻ thù của dân chủ rất gian manh, chúng có trăm phương nghìn kế để tri hoãn mọi việc và chia rẽ phong trào, các chiến sĩ dân chủ không thể lơ là cảnh giác.

10/ Cuộc nổi dậy của quần chúng cách mạng hai nước Tunisia và Egypt còn cho ta một bài học về cái gọi là “ổn định chính trị”. Hai nước Tunisia và Egypt đã thực hiện cải cách kinh tế thắng lợi rõ rệt, có thể nói thành tựu kinh tế của họ còn rực rỡ hơn Việt Nam. Egypt có trên 80 triệu dân, gần bằng Việt Nam, mức tăng trưởng là 7%, nhưng lợi tức trung bình thì cao hơn Việt Nam nhiều, thực tế đó là một nước tiên tiến trong khu vực. Thành tích xóa đói giảm nghèo ở nước này cũng được Ngân hàng Thế giới khen ngợi. Giới cầm quyền ở Egypt đinh ninh rằng với thành tích cải cách kinh tế như vậy họ có thể siết chặt chế độ độc tài để giữ cái thế “ổn định chính trị” có lợi cho họ. Nhưng thực chất của ổn định chính trị không thể do chế độ độc tài toàn trị đem lại, mà đó là kết quả của tinh thần đồng thuận trong dân chúng, nói một cách khác đó là kết quả của sự dân chủ hóa sinh hoạt chính trị trong xã hội. Chỉ có chế độ dân chủ đích thực, tức là chế độ tôn trọng quyền của người dân, mới thật sự đem lại ổn định chính trị bền vững mà thôi, chứ không phải cứ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng người dân rồi lôi cuốn họ vào những cuộc vui chơi giải trí vớ vẩn là có “ổn định chính trị”, như quan niệm của giới độc tài toàn trị.

***

Những bài học từ cuộc cách mạng nhân dân ở Tunisia và Egypt thì còn nhiều lắm và ta còn phải tiếp tục bổ sung thêm trong những giai đoạn tiếp sau nữa. Người viết xin dừng lại ở đây và xin nói thêm điều này cùng các bạn trẻ nước ta: Rút ra những bài học để chúng ta suy nghĩ là một việc, còn áp dụng những bài học đó như thế nào vào hoàn cảnh nước ta lại là một việc khác, phải đắn đo, cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Vừa qua, tôi thích thú đọc những ý kiến của nhiều bạn bloggers trong nước về đề tài: “Hương hoa Lài có lan tỏa đến Việt Nam được chăng?” Tôi để ý đến ý kiến cụ Tô Hải là một người tôi quý mến. Theo cụ thì “... Không thể làm như ở các nước được! Vì ở nước Việt Nam mình nó chẳng giống ai. Ít nhất ở các nước, họ độc tài nhưng không có lối tổ chức như ở Việt Nam. Đó là cơ sở, từ trong sinh viên, từ tất cả mọi thứ đều có những cơ sở của Đảng CS vốn phát triển ngày càng nhiều. Nên chỉ cần một ý đồ nhỏ thôi là họ đối phó ngay lập tức. Do đó cảnh ở Việt Nam mà mọi người kéo nhau xuống đường phản đối thì khó lắm...”. Nhiều bạn khác cũng nói hoàn cảnh Việt Nam mình rất khó do chế độ “công an trị” ngặt nghèo, do “dân trí” nước ta còn thấp(?!). do thái độ thờ ơ vô cảm của người dân, do các tổ chức đối lập trong nước còn chưa đủ mạnh, v.v. và v.v... Nhưng cũng có bạn vạch ra những “thùng thuốc nổ” dưới gầm giường của chế độ, chẳng hạn như nạn tham nhũng, theo sự xếp hạng của cơ quan Transparency International thì Việt Nam còn trầm trọng hơn nhiều so với Tunisia, Egypt; còn theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới thì tổng thu nhập của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Tunisia, Egypt, mức thu nhập bình quân/đầu người của Việt Nam lại thấp nhất, mức chênh lệch giàu nghèo của Việt Nam lại cao hơn nhiều. Hơn nữa, sự nguy hiểm cho chế độ là ở chỗ Việt Nam số người có học cao hơn một tý so với hai nước Tunisia, Egypt, còn số người dùng Internet ở Việt Nam lại cao hơn rõ rệt (theo dữ liệu của UNICEF: VN 20, Egypt 14, Tunisia 17), v.v....

Người viết không có bình luận gì về ý kiến của các bạn trong nước, chỉ xin kể lại hồi ức của mình về thời kỳ cuối những năm 80 - đầu những năm 90 thế kỷ trước ở nước Nga dưới thời Xô-viết. Hồi những năm 80 là thời kỳ có tên gọi là “trì trệ” của chế độ, vợ chồng chúng tôi cảm thấy ngột ngạt vô cùng, nhà tôi nói với tôi: chúng ta đang phải “sống mòn” đây! “Sống mòn” là tên cuốn tiểu thuyết của Nam Cao mà nhà tôi đang dùng để dạy cho sinh viên Nga. Tâm trạng chung của trí thức Nga có tư tưởng độc lập hồi đó là chán chường, vô vọng. Ai cũng cảm thấy bế tắc, không có lối thoát nào. Tôi biết rõ có một số trí thức chán quá đã bỏ việc đưa gia đình đến ở vùng núi xa xôi dưới chân dãy Thiên Sơn. Rất hiếm người dám làm cái gì đó trái với luật lệ Xô-viết, chứ đừng nói gì tới chuyện chống đối, vì mạng lưới mật vụ của KGB dày đặc lắm, mật vụ có ở khắp nơi. Có ai đó bực mình quá thì chỉ trút sự bất bình trong lòng ra bằng những chuyện tiếu lâm nói khe khẽ với nhau trong xó bếp để nhạo báng cái chế độ mà họ chán ghét. Kể chuyện tiếu lâm chính trị đã là một cái tội lớn có thể tống vào tù được! Nhân đây, tôi xin kể cho các bạn nghe một chuyện tiếu lâm thời đó để minh họa điều vừa nói:

“Trong nhà tù, có ba người ngồi nói chuyện với nhau. Một người hỏi:

- Mày phạm tội gì mà vào đây?
- Tao viết lên tường khẩu hiệu chửi chế độ. Còn mày?
- Tao nhổ nước bọt vào ảnh Brezhnev? Còn thằng kia?
- Tao là thợ chữa ống nước. Người ta bảo tao đến nhà một ông cán bộ. Ông bảo tao xem lại ống nước của nhà ổng. Xem xong, tao bảo các ống nước hư gỉ hết, phải thay cả hệ thống mới được. Thế là người ta tống tao vào tù”.

Cái chế độ Xô-viết ngặt nghèo như thế đấy: bỏ tù vì dám nói “phải thay cả hệ thống”!

Còn chuyện này nữa tôi biết rõ vì nhà tôi có dự vào. Hồi đó, tổng bí thư Brezhnev vừa qua đời. Sinh viên trường đại học nơi nhà tôi dạy, tổ chức lễ truy điệu ông ta. Một cô sinh viên học trò của nhà tôi không đến dự lễ mà ngồi nhà học bài, khi học thì lại vặn radio nghe nhạc, cô đã thận trọng cho tiếng nhạc rất khẽ. Thế mà có kẻ biết được đi “tâu” đảng ủy. Thế là người ta làm tình làm tội cô đủ điều, nhà tôi phải vất vả chạy đi can thiệp cho cô học trò tốt của mình. Cuối cùng vì nể nhà tôi, nên người ta không đuổi học cô ta.

Tôi kể những chuyện đó để thấy cái hệ thống chính trị của chế độ độc tài kinh khủng lắm, có kém gì Việt Nam ngày nay đâu!

Tôi xin kể thêm chuyện này, vì vợ chồng tôi chẳng những là người chứng kiến, mà là người tham dự vào sự kiện này. Hồi cách mạng dân chủ ở Nga, tức là cuộc nổi dậy của dân chúng Nga ở Moskva, Sankt Petersburg, và các thành phố khác để chống lại cuộc đảo chính ngày 19.08.1991 do những kẻ bảo thủ nhất trong Bộ chính trị ĐCSLX tổ chức. Khi bộ trưởng quốc phòng Yazov là người trong nhóm đảo chính, ra lệnh kéo quân vào Moskva để tấn công phe dân chủ thì tướng Shaposhnikov, tư lệnh không quân, và tướng Grachov, tư lệnh bộ đội nhảy dù đã tuyên bố không tuân lệnh bộ trưởng quốc phòng, rồi một số chiến xa Liên Xô chạy sang phe dân chủ, đứng bảo vệ “Nhà Trắng”, là bản doanh của bộ chỉ huy của phe dân chủ. Còn đêm 20.08.1991, vì vợ chồng chúng tôi là những thành viên của Phong trào Nước Nga Dân chủ, nên chúng tôi đã có mặt ở “Nhà Trắng”, nhà tôi thì viết những tin tức để chuyển cho các địa phương (hồi đó làm gì có máy photocopy và Internet như ngày nay!), còn tôi thì lo việc tiếp tế nước uống và thức ăn cho anh chị em trẻ cầm súng bảo vệ “Nhà Trắng”. Chúng tôi nhớ rất rõ bầu không khí đêm đó căng thẳng đến cực độ vì có tin chủ tịch KGB Kriushkov đã ra lệnh cho tướng Karpukhin, chỉ huy trưởng đội “Alpha” là đội quân đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của Liên Xô phải nhảy dù xuống đánh chiếm “Nhà Trắng”! Thế nhưng, một sự may mắn diệu kỳ cho phe dân chủ Nga: đội “Alpha” đã từ chối thi hành lệnh! Trước tình thế đó, bộ trưởng quốc phòng Yazov ra lệnh rút quân, thế là phe dân chủ thừa thắng xông lên chiếm lĩnh ngay trụ sở Trung ương ĐCSLX, cũng như trụ sở các thành ủy, tỉnh ủy các nơi khác, chiếm lĩnh trụ sở KGB, hạ bệ tượng trùm công an mật vụ Dzerzhinsky ở trung tâm Moskva, v.v... Bộ trưởng bộ Nội vụ B. Pugo tự sát. Hàng chục nghìn đảng viên vứt thẻ đảng...

Nhắc lại chuyện này để thấy rõ rằng khi một chế độ đã mục nát rồi thì mọi cột chống của nó đều rệu rã. Cho nên, sự sụp đổ của chế độ Xô-Viết chính là do bản thân nó không còn sức sống, chứ không phải do lỗi lầm của ai đó hay do âm mưu của nước ngoài, như một số người thường giải thích.

Kể lại những chuyện đó để mọi người suy ngẫm, còn kết luận thế nào thì tùy các bạn.

Cuối cùng, tôi tin tưởng rằng tiền đồ của Tổ quốc và Dân tộc ta sẽ rạng rỡ và tuổi trẻ của nước ta trong tim còn rạt rào tình yêu nước, thương dân sẽ không phải hổ thẹn trước đấng Quốc Tổ, trước các Anh hùng Liệt sĩ, trước tiền nhân và hậu thế.

Nguyện cầu Hồn thiêng Đất nước phù hộ chúng ta!

Moskva, ngày 14.02.2011

Nguyễn Minh Cần

nguồn: http://danluan.org/node/7823

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More