Biểu tình đang lan sang Yemen và Libya

Bản tin 16-2-2011

Đụng độ trong cuộc biểu tình chống chính phủ
tại thủ đô Sana'a, Yemen, ngày 12-2- 2011
(Lybia) Một cuộc biểu tình đã bộc phát ở Libya hôm thứ Tư, 16-2-20011, với hàng trăm người kéo xuống đường và đã đụng độ với cảnh sát cùng ủng hộ viên chính phủ tại thành phố Benghazi của Libya.

Cuộc biểu tình diễn ra sau khi một nhà bất đồng chính kiến có tiếng là Luật sư Fathi Terbil bị nhà cầm quyền nước này bắt giữ.

Luật sư Fathi Terbil, thuộc Hội Gia đình Hồi giáo Châu Phi, sau đó được trả tự do, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn. Ông Terbil đại diện cho thân nhân của hơn 1.000 tù nhân mà người ta tố cáo đã bị sát hại bởi lực lượng an ninh tại nhà tù Abu Salim ở Tripoli hồi năm 1996.


Tin tức cho biết, khi luật sư Terbil bị bắt, gia đình đã kéo ra ngồi biểu tình trước nơi ông bị giam giữ và nhiều người khác cùng tham gia biểu tình sau đó. Cảnh sát đã dùng hơi ngạt, vòi rồng và cả một số kẻ côn đồ mang dao để giải tán người biểu tình.

Các nhà tổ chức biểu tình ở Libya đang kêu gọi xuống đường toàn quốc vào ngày thứ Năm 17-2-2011.

Tin tức cũng cho biết, theo các nhân chứng tại cuộc biểu tình ở Benghazi, con số người tham gia biểu tình có lúc lên tới hơn 2.000 người. Cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến 14 người bị thương kể cả cảnh sát.

Một người dân Libya nói qua đài BBC rằng "Người Libya mong muốn nhiều hơn nữa. Libya là nước cực kỳ giàu có mà dân số chỉ có sáu triệu. Người dân Libya muốn có thu nhập bình quân đầu người ít nhất phải trong nhóm năm nước có thu nhập cao nhất thế giới.

"Các cơ quan chính quyền, bệnh viện, trường học cần được điều hành tốt hơn.

"Ngoài ra tham nhũng cũng rất phổ biến và người dân đã chán nản.

Trong khi đó, đài truyền hình nhà nước Libya chỉ phát đi cảnh vài trăm người ở Benghazi lên tiếng ủng hộ chính quyền.

Ông Gaddafi lãnh đạo Libya
Benghazi là thành phố cảng cách thủ đô Tripoli, Libya, khoảng 1.000km. Đây là thành phố lớn thứ hai ở Libya với dân số khoảng 670.000 người. Dân chúng thành phố Benghazi có lịch sử không ưa gì nhà lãnh đạo hiện nay Đại tá Gaddafi kể từ khi ông tiến hành cuộc đảo chính năm 1969 và tiếm quyền.

Khu vực Trung Đông đã chứng kiến một loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ xuất phát từ những bất bình về tình trạng thất nghiệp, giá sinh hoạt tăng cao, tham nhũng và lối cai trị độc đoán

Làn sóng mở đầu với việc lật đổ nhà lãnh đạo Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali hồi tháng Giêng, và mới hồi tuần qua, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak cũng đã từ chức trước làn sóng chống đối của dân chúng nước này..

Trong khi đó, trong những ngày qua, các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra tại Yemen, Bahrain và Iran.

Tại Yemen, hôm 15-2, cuộc biểu tình chống Tổng thống nước này đã bước sang ngày thứ 5 với hàng ngàn nhà hoạt động đối lập đã tụ tập tại thủ đô Sana’a đòi cải cách chính trị và lật đổ tổng thống Ali Abdullah Saleh đã tại chức lâu năm, sau khi lên nắm quyền kể từ năm 1978.

Có khoảng 3.000 người biểu tình, phần lớn là sinh viên, đã tuần hành từ Đại học Sana’a tới dinh tổng thống Saleh hôm qua 14-2, nhưng đã bị cảnh sát chặn đường.

Hàng trăm người trung thành với chính phủ, một số cầm dùi cui, đã đối đầu với những nhà hoạt động chống ông Saleh, dẫn tới các cuộc đụng độ trên đường phố trong đó cả hai bên đã dùng đá để tấn công nhau, gây thương tích cho nhiều người.

Những người biểu tình Yemen đã hô vang các khẩu hiệu bài bác ông Saleh, tương tự như những gì người biểu tình Ai Cập sử dụng để buộc tổng thống chuyên quyền ở Ai Cập và Tunisia dẫn tới các nhà lãnh đạo của nước này phải từ chức.

Các cuộc biểu tình chống ông Saleh leo thang từ hôm thứ Sáu 11-2, khi các nhóm dân chúng tập hợp để ăn mừng việc lật đổ tổng thống Ai Cập trong cuộc nổi dậy kéo dài 18 ngày cũng vì các bất mãn tương tự.

Trước những chỉ trích của người dân phản kháng chế độ, ông Saleh hồi đầu tháng này đã tuyên bố rằng ông sẽ không tái tranh cử khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2013 tới đây. (BT)

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More